5 điểm không của một huấn luyện viên yoga chuyên nghiệp

Yoga ngày càng được khẳng định là một phương pháp tập luyện hàng đầu giúp phòng chống bệnh tật, mang lại một sức khỏe dẻo dai, một tâm trí an lành. Đó là lý do dẫn tới sự phát triển nhanh chóng về số lượng của các trung tâm dạy Yoga, cũng như đào tạo huấn luyện viên yoga. 

Là một huấn luyện viên yoga mới vào nghề chắc hẳn bạn sẽ không tránh khỏi tâm lý lo lắng, hoang mang. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đề cập tới 5 điểm " Không " nếu bạn muốn trở thành một huấn luyện viên Yoga chuyên nghiệp vừa có tâm vừa có tầm, giúp bạn trở nên bình tâm và có thể sống hết mình với nghề huấn luyện viên yoga đầy cao quý này.

1. Không dạy vì tiền

Tiền bạc là yếu tố không thể thiếu để con người chúng ta có thể tồn tại trong cuộc sống, và tôi cũng không thể phủ nhận giá trị của đồng tiền, nếu không có tiền trước hết chúng ta cũng không thể hoàn thành các khóa đào tạo huấn luyện viên, nếu không có tiền chúng ta cũng không có thức ăn để ăn,... tóm lại hãy tôn trọng giá trị của đồng tiền và công sức làm ra nó một cách chân chính.

Vậy tại sao tôi lại nói là một huấn luyện viên yoga không được dạy vì tiền? 

Vậy nếu xem HLV Yoga là một nghề thì tại sao không dạy vì tiền được? Thật ra nghề nào cũng vậy chứ không chỉ riêng gì nghề huấn luyện viên Yoga. Nếu làm việc vì tiền thì bạn vẫn tồn tại, vẫn sống, vẫn phát triển bình thường thậm chí là tốt nhưng bạn dễ bị mất định hướng, bị căng thẳng, bị stress, bị rối loạn, bị đánh mất chính mình. Nhưng nếu làm việc vì giá trị tạo ra cho người khác, và luôn trăn trở, đam mê cống hiến năng lực tình yêu của mình vì người khác, thì bạn sẽ hạnh phúc hơn và cũng không phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc. Huấn luyện viên là một nghề mang lại giá trị rất lớn về thể chất và tinh thần cho nhiều người. Khi bạn làm việc hết mình vì những giá trị này, tiền bạc tự động sẽ có chân chạy đến với bạn, bạn vẫn cần suy nghĩ, lên kế hoạch để có tiền một cách chân chính.

Có nhiều HLV Yoga hỏi tôi rằng họ cũng dạy hết mình vậy là đã cho đi nhiều rồi mà sao không có tiền, không giàu có. Chỉ cần nghe câu hỏi này thôi thì tôi cũng có thể nói rằng đó là lý do bạn không thể có nhiều tiền vì bạn có cho đi nhưng với tâm mong muốn nhận lại và có gì đó hơi bất mãn vì thấy bất công. Vậy thì tiền bạc cũng vậy, bạn đã gieo những hạt giống tốt trước đó, nhân quả tiền bạc chuẩn bị chạy  đến với bạn như dòng thác lũ nhưng khi bạn bắt đầu khởi lên 1 suy nghĩ thôi ta ngừng cho đi, thì vũ trụ cũng giống như bạn thôi, cũng sẽ rút lại những gì mà vũ trụ định cho đi, thế là tiền bạc đến với bạn một cách khó khăn trở lại.

Khi ta đã cố gắng hết sức mà thấy vẫn không có tiền cũng cứ bình tâm nhìn nhận lại, có thể do giá trị của ta đưa ra cho xã hội chưa đủ lớn, thì đừng vội bất mãn khi cái ta nhận lại được cũng chưa lớn như ta mong muốn. Nếu muốn nhận được nhiều hơn thì chúng ta phải cho đi nhiều hơn nữa, cho đi với cái tâm hào sảng, thuần khiết nhất, dĩ nhiên bằng một cách nào đó không gây phương hại đến mình và người khác, cùng với một phương pháp đúng. Việc cho đi nhiều hơn phải bao gồm cả về số lượng và chất lượng. Ví dụ, trong 1 tháng bạn dạy 1 lớp có 5 học viên, với mức phí 1.000.000 đồng/hv, 5 học viên là 5 triệu. Hãy tư duy làm sao cùng khoảng thời gian bạn dạy được nhiều người hơn, nhiều lớp hơn nhưng cùng với chất lượng như 5 người hoặc thậm chí là tốt hơn thì số tiền bạn nhận về chắc chắn nhiều hơn.

Hãy luôn nhớ rằng một HLV Yoga chuyên nghiệp không dạy vì tiền mà luôn học hỏi, tư duy, tìm tòi để mỗi ngày trao đi giá trị của mình nhiều hơn, giúp nhiều người hơn trong 1 tâm thái bình an, và hạnh phúc.

Rất không may, thường thì những ai theo con đường Yoga hay thiền không quan tâm nhiều đến tiền bạc và đôi khi còn xem thường nó. Nhưng thực tế là có rất nhiều HLV bị mất năng lượng vì vấn đề này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển công việc. Bạn bị mất năng lượng không phải vì bạn ít tiền, hay không có tiền chỉ vì bạn thiếu kiến thức về nó mà thôi. Dù tiền bạc có lên hay xuống, đến hay đi, nhiều hay ít, khi bạn được học để thông hiểu những quy luật thì bạn sẽ luôn bình an với nó, cũng không bất mãn, ganh tỵ khi có 1 HLV Yoga khác có thu nhập tốt hơn mình, mà mình còn phải cổ vũ, chúc mừng cho họ nữa. Khi bạn thật tâm chúc mừng cho sự thành công của họ cũng sẽ đến một ngày bạn đạt được thành công của chính bạn

2. HLV Yoga chuyên nghiệp không dạy vì cảm xúc

Bạn có thể đến với Yoga vì đam mê cá nhân. Rồi một ngày bạn trở thành HLV Yoga. Bạn học được rằng là 1 HLV Yoga lúc nào cũng phải nhẹ nhàng, khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc và ở mức năng lượng tràn đầy. Nhưng thực tế không phải vậy. Bạn thấy rằng bạn cũng có những ngày chán đời giống như ai, năng lượng tụt xuống đáy bằng 0 thậm chí là âm, bạn không còn thiết tha gì việc vào lớp truyền năng lượng cho học viên nữa, bạn mệt rồi.

Là một HLV Yoga dạy vì sở thích bạn có thể chỉ dạy lúc cảm xúc hay năng lượng tích cực. Nhưng là một HLV Yoga chuyên nghiệp bạn vẫn phải dạy trong khi gia đình mình đang có vấn đề, tiền bạc mình đang khó khăn, trục trặc, mối quan hệ tình cảm của mình đang hồi gay cấn, hay đang bị phán xét khen chê. Vậy thì làm sao mà có bình an, hạnh phúc gì được? Một HLV Yoga chuyên nghiệp hiểu rằng cuộc sống theo quy luật tự nhiên thì luôn có 2 mặt có lên phải có xuống, có trắng ắt có đen, có hay chắc có dở, có vui phải có buồn. HLV chuyên nghiệp bình an không phải vì đang trong điều kiện tốt đẹp, bạn bình an vì tách được mình ra khỏi mọi vui buồn, lên xuống, khi đã vào lớp thì tập trung vào học viên, vào bài giảng, để lại thế giới ngoài kia, sống hết mình trong từng khoảnh khắc.

Điều quan trọng nữa là nếu tâm trạng hôm đó không vui hoặc có nhiều rối loạn, bạn vẫn có thể hoàn toàn làm chủ bản thân và làm chủ lớp học bằng 1 cách sáng tạo hơn. Đó là dạy những bài yoga nhẹ nhàng chuyên vào tĩnh tâm. Thậm chí, nếu bạn đủ vững vàng, bạn vẫn có thể nói với học viên về trạng thái cảm xúc của bạn 1 tý và lý do vì sao hôm nay hướng dẫn những bài tập này. Khi bạn sống trong từng khoảnh khắc với chính mình chắc chắn bạn sẽ truyền năng lượng đến cho học viên. Khi bạn không vui mà bạn cứ cố gồng lên tập những bài tập quá sức, bạn chẳng giúp gì được cho mình, và chắc chắn cũng chẳng giúp ích gì được cho học viên dù bạn đang có mặt ở đó.

3. HLV Yoga chuyên nghiệp không dạy để học viên tập giỏi hơn người khác

Thường các học viên khi đã quen thuộc với HLV rồi sẽ bắt đầu mong muốn HLV hướng dẫn những bài tập này, kia để lên được các tư thế khó. Nên, có 1 số trường hợp sau khi 1 vài bạn tốt nghiệp HLV đi dạy trở về hỏi tôi rằng dạy mà thấy học viên tập giỏi hơn hoặc gặp 1 số câu hỏi hóc búa, lại mất tự tin. Với điều này, bạn cần sự tỉnh thức trong giảng dạy. Nghĩa là không phải học viên yêu cầu gì bạn cũng làm theo, hay hỏi gì bạn cũng phải đáp ứng ngay. Bạn có thể dừng lại để hỏi học viên rằng vì sao muốn lên tư thế này, kia. Nếu câu trả lời của học viên cho thấy rằng họ muốn lên được tư thế để bằng hay hơn người khác thì bạn không nên giúp học viên, ngược lại bạn cần giúp học viên quay vào bên trong để tìm thấy sự tĩnh tại, và an lạc ở chính mình chứ không phải tìm niềm khích lệ ở việc hơn thua với người khác. Động cơ học viên lên được 1 tư thế khó phải xuất phát từ chính bên trong họ, muốn vượt qua giới hạn bản thân, chiến thắng bản thân của chính họ thì bạn hãy chấp nhận lời yêu cầu hỗ trợ trong điều kiện bạn nhận ra rằng học viên này đã đến giai đoạn cần vượt qua bản thân bằng 1 thử thách hay 1 nỗ lực mới nằm ngoài vùng thoải mái của họ.

Là một Huấn luyện viên Yoga bạn cần tập luyện mỗi ngày và lấy trải nghiệm này hướng dẫn cho học viên. Nhưng, tập luyện giỏi thôi chưa đủ, bạn cần học phương pháp dẫn dắt học viên, làm chủ lớp học. Một người tập luyện giỏi chưa đủ là người thầy giỏi. Là một HLV Yoga chuyên nghiệp bạn không cần tập làm sao để hơn người khác mà cần tập để hiểu rõ chính mình, hiểu điểm mạnh để phát huy đồng thời cải thiện những điểm yếu để từ từ đạt đến sự cân bằng, vượt giới hạn bản thân, và sau đó, hãy dẫn dắt học viên cũng làm được điều này trên cơ thể của chính họ, chứ không phải rập khuôn theo giống bạn.

4. HLV Yoga chuyên nghiệp không cho Yoga của mình là nhất

Suốt những năm tháng tập luyện Yoga tôi thường hay nghe xung quanh tôi những câu đại loại như thế này. Người tập hoặc người dạy chuyên về tư thế thì cho rằng những trường phái Yoga chuyên về tĩnh tâm, tập nhẹ, chú trọng tinh thần thì có gì mà tập, chẳng đi đến đâu. Hay ngược lại, người chuyên trường phái thiền, tâm linh thì thường cho rằng ai tập nghiêng về tư thế là không phải Yoga, hoặc Yoga bên ngoài, hời hợt. Tôi hoàn toàn đồng cảm khi bạn đến với 1 trường phái nào đầu tiên mang đến nhiều chuyển đổi bạn sẽ vô cùng biết ơn sâu sắc. Nhưng không có nghĩa là trường phái của bạn là số 1 hay hơn những người khác. Hãy luôn khiêm tốn. Những HLV Yoga trường phái thiền, tĩnh tâm thường hay mắc 1 cái bệnh cho rằng Yoga của mình mới hướng thiện, mới giúp sống giản dị, đạo đức hay tâm linh. Tôi nghĩ đây là một căn bệnh nếu bạn không kịp nhận ra thì nó sẽ không giúp bạn phát triển. Tôi nhớ lời Thầy tôi dạy, một trong những căn bệnh nguy hiểm về “cái tôi” của con người đó là cho rằng mình “giản dị, đạo đức, trí tuệ” hơn người khác. Hãy khiêm tốn, mở lòng, khi bạn nhận ra những gì bạn học hay thực hành được chỉ là 1 hạt cát trong sa mạc thì bạn sẽ không dám nói hay lên tiếng gì cả, chỉ chuyên tâm thực hành và tự sửa mình mà thôi.

Bản thân tôi nhận thấy là một HLV Yoga chuyên nghiệp bạn có thể đánh giá, phân tích hay thảo luận đưa ra phương pháp tốt nhất cho học viên, nhưng cần dựa trên cơ sở đã có trải nghiệm kỹ và sâu chứ không nên chỉ theo cảm tính hay theo số đông. Hãy dành cho mình thời gian trải nghiệm đủ để đưa ra những lời khuyên chân thành cho học viên chứ không đơn giản chỉ là đánh giá suông. Vì ở mỗi học viên có những vấn đề riêng, và họ cũng có những cá tính, sở thích riêng, không phải ai cũng giống như ai. Tất cả đều sẽ đi về cùng 1 đích đến của Yoga là sức khỏe, bình an, hạnh phúc và cao hơn là sự giải thoát nhưng mỗi người do tính cách, hay sâu hơn do nghiệp sẽ có những bài học, hay những con đường đi riêng biệt. Hãy thật tâm tôn trọng từng cá nhân, từng con đường đi và mở lòng khiêm tốn để học hỏi những điều mới cho trải nghiệm bản thân. Đồng thời, một lời khuyên chân thành, bạn chắc chắn cần phải chuyên sâu vào một con đường nền tảng nhất của mình để không bị chới với, hoang mang như không có điểm tựa khi thử quá nhiều cái mà không có gì là gốc.

5.   HLV Yoga chuyên nghiệp không có fan hâm mộ - hay fan trung thành

Bài học đầu tiên trong học phần Phương pháp giảng dạy Yoga mà tôi hay chia sẻ với các bạn là luôn công tâm đối với tất cả học viên trong lớp học. Không vì tình cảm hay bất kỳ điều gì mà có sự ưu tiên cho ai hơn ai. Luôn truyền năng lượng và chia sẻ tận tình cho tất cả học viên những người đang cần sức khỏe và sự bình an về tâm trí. Bạn vào lớp, yêu thương, chia sẻ hết mình và đi ra, không dính mắc tình cảm, hay sự yêu thương, hay sự ngưỡng mộ của học viên dành cho mình. Học viên yêu thương mình là một phước lành, bạn hãy hạnh phúc đón nhận tình cảm ấy, biết ơn những tình cảm chân thành của học viên và luôn nỗ lực hết mình để mang đến cho tất cả học viên những giá trị tốt nhất.

Nhưng hãy luôn nhớ rằng, tình cảm con người có yêu thương thì có ghét bỏ, có người thích có người không thích, nếu bạn đã làm việc hết sức thì việc họ không đón nhận bạn không phải lý do ở bạn, cũng không nằm ở họ, mà chỉ là không có sự phù hợp mà thôi, đừng quá trăn trở vì sao học viên đó không thích mình, không đồng tình với mình, hay không học mình nữa. Là HLV Yoga chuyên nghiệp bạn phải đạt đến trạng thái thật bình tâm dù tình cảm bên ngoài với mình là đến hay đi thế nào vì mục tiêu cuối cùng của bạn là trao đi sức khỏe, bình an cho học viên. Vì thế, cứ làm hết mình và hãy xem kết quả là một sự phản hồi tích cực, nếu là tốt thì vui , còn chưa tốt thì tự điều chỉnh và sửa mình. Học viên đến học với bạn cũng hoàn toàn có thể học với HLV khác để họ nhận giá trị từ người khác. Vì thế, tư duy cần phải có fan hâm mộ hay fan trung thành không giúp bạn có sự tự chủ và bình an trên hành trình làm HLV Yoga. Hãy nhớ bài học về tâm linh đầu tiên trong Yoga bạn được học là không dính mắc, với việc đi dạy càng phải thực hành triết lý này để giúp bạn luôn thanh thản, an lạc trong giảng dạy Yoga nhé.

ĐỌC THÊM: TÌM HIỂU VỀ CÁC KHÓA ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN VIÊN YOGA 

 



-->
sdt