Thiền là gì và chúng ta ngồi thiền như thế nào?

(Ngồi thiền) – Thiền ngày nay đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Bước ra ngoài khuôn khổ của sự tu hành, thiền giờ đây được đông đảo mọi người đón nhận và thực tập như một phương pháp để giải tỏa căng thẳng, tìm lại sự an ổn trong tâm hồn. Tuy nhiên, khái niệm thiền và cách ngồi thiền ra sao chắc hẳn sẽ vẫn còn là thắc mắc với những ai chỉ mới “nghe danh” về bộ môn này. Vậy hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một chút kiến thức về Thiền là gì và chúng ta ngồi thiền như thế nào?

Thiền là gì?

Từ trước đến nay đã có rất nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra để định nghĩa về thiền. Trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, thiền, tiếng Pali là bhavana, dùng để chỉ những pháp thực hành nhằm rèn luyện tâm. Có hai pháp thực hành thiền là Thiền định (samatha bhavana)Thiền quán (vipassana bhavana).

Dưới góc độ Yoga thì thiền được gọi là “Dhyana” nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”. Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về ý thức vũ trụ.

Lại có người định nghĩa về thiền như sau. Theo J. Krishnamurti (tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng của Ấn Độ): “Thiền không phải là phương tiện. Nó là cả hai: phương tiện và cứu cánh. Thiền là một điều phi thường. Nếu có bất cứ một sự bắt buộc, cố gắng bắt tư tưởng phải tuân thủ, bắt chước, thì thiền sẽ là một gánh nặng”.

Hướng dẫn ngồi thiền

Nhắc đến thiền, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc ngồi thiền. Tuy nhiên, việc thực tập thiền còn bao gồm nhiều hoạt động khác như thiền hành (thực tập thiền khi đi bộ), nằm thiền (thực tập thiền ở tư thế nằm)… Mỗi phương pháp thiền đều có cách thức thực hành chung là giữ cho tâm trí tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm. Bởi các suy nghĩ, vọng tưởng là thứ luôn tự động phát sinh trong đầu chúng ta. Khó có ai có thể dễ dàng chấm dứt mọi vọng tưởng để dồn toàn tâm, toàn trí cho một công việc. Vừa nhặt rau có thể bạn vừa nhớ tới chuyện ở cơ quan hay ở trên lớp. Khi đang lái xe máy, bạn lại nghĩ tới việc trưa nay ăn ở đâu, món gì, định rủ ai đi, bla bla… Chính điều này luôn làm bạn mất tập trung, trí nhớ giảm sút. Những căng thẳng, vướng mắc trong cuộc sống, nhất là sự khó khăn trong việc kiểm soát tâm trạng, cảm xúc cũng chủ yếu xuất phát từ vọng tưởng mà ra. Về già thì dễ quên quên nhớ nhớ, lẩm cẩm, thiếu sáng suốt. Đó là lí do mà ta luôn phải thực tập thiền để trở về sống trọn vẹn với hiện tại theo đúng nghĩa của nó.

Lợi ích cơ bản của thiền

Thiền mang đến cho chúng ta những lợi ích cả về thể chất và tinh thần. Về cơ bản, thiền chỉ là một phương pháp điều trị tâm, giúp tâm an ổn, đỡ tán loạn. Khi tâm đã an thì con người ta sẽ nhìn nhận mọi sự việc dưới con mắt sáng suốt, lạc quan hơn. Từ tinh thần tốt như vậy, cơ thể bạn cũng tự nhiên khỏe mạnh, ngăn cản phần nào sự phát triển của các mầm mống gây bệnh trong người. Do vậy, người thực tập thiền đúng phương pháp sẽ cảm thấy có sự thay đổi trong sức khỏe.

 

Ngồi thiền đúng cách

Một ví dụ để bạn có thể thấy được tác dụng của việc ngồi thiền đó là, chẳng hạn, bạn hay tin bác sĩ phát hiện ra trong cơ thể mình có một khối u. Chắc hẳn bạn sẽ có không ít mối lo lắng phát sinh. Khi đó bạn tìm đến thiền. Thực tập ngồi thiền thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy mối lo sợ của mình về bệnh tật tiêu tan dần. Bạn đón nhận mọi thứ đến với mình một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng. Thậm chí, bạn vẫn giữ được tinh thần lạc quan, chuẩn bị cho tất cả những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Từ sự lạc quan đó, chắc hẳn, sự phát triển của khối u sẽ chậm lại, cơ thể bạn sẽ tự nhiên sản sinh ra sức đề kháng để chống chọi lại với bệnh tật. Bạn cũng sẽ cảm thấy mình có nhiều sức mạnh hơn là khi cứ bất an, sợ hãi, tự hủy hoại mình bằng những suy nghĩ tiêu cực về một tương lai đen tối đang chờ đón bạn. Bất an như vậy thì chỉ cho thấy bạn đã tự hủy hoại mình trước khi bệnh tật giết chết mình.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều điều khó khăn, bất như ý. Chỉ có một tâm hồn bình an mới tạo ra sức mạnh vô hình từ ngay bên trong mình để ta vượt qua và chiến thắng những khó khăn đó. Đó chính là lợi ích mà thiền mang lại.


Cách ngồi thiền

Ngồi thiền được coi là một cách thức thực tập thiền cơ bản, phổ biến và hiệu quả nhất. Những người mới tiếp xúc với thiền thì nên thực hành phương pháp này đầu tiên. Hiểu một cách đơn giản, ngồi thiền là việc ta ngồi và giữ cho tâm trí thật vắng lặng, kiểm soát, không để vọng tưởng phát sinh và không chạy theo vọng tưởng. Khi bạn kiểm soát được vọng tưởng của mình, tự nhiên tâm sẽ an ổn, tĩnh lặng.

Để bắt đầu, bạn cần có sự chuẩn bị về không gian, thời gian và một số thứ khác để giúp buổi thiền đạt hiệu quả hơn.
Tiếp đến, bạn lựa chọn tư thế ngồi. Tư thế cơ bản là xếp bằng (khoanh chân) và giữ cho lưng thẳng. Tuy nhiên, tư thế ngồi hiệu quả hơn cả là bán già hoặc kiết già. Các bạn cũng nên lựa chọn một trong hai thế ngồi này, tùy vào khả năng của mình, để làm tư thế chính khi ngồi thiền. Vấn đề này đã được chia sẻ chi tiết hơn qua bài viết: “3 tư thế ngồi thiền cơ bản không thể bỏ qua”.

Sau đó, bạn nhắm mắt lại và cố gắng kiểm soát tâm trí. Tâm trí ta kiểm soát có gì khó đâu. Xin thưa với các bạn, nghe thì vậy thôi chứ việc kiểm soát tâm trí không phải khó mà là vô cùng khó. Cách ngồi thiền thì rất đơn giản, nhưng ngồi làm sao để đạt hiệu quả, giúp ta tìm được sự bình an trong tâm hồn thì không hề dễ tí nào. Do đó, các bạn mới thực tập thiền nên thực hiện theo 3 giai đoạn được chia sẻ trong bài viết: “3 giai đoạn cơ bản trong một buổi ngồi thiền”. Sau một thời gian thực tập nghiêm túc, thường xuyên và quyết liệt, sẽ đến lúc, bạn có thể cảm nhận được điều tuyệt vời mà thiền mang lại.

 

 


-->
sdt