Tại sao thiền có thể chữa bệnh?

Xưa nay người ta vẫn nói nhiều về tác dụng của thiền. Trên các trang báo, chúng ta vẫn bắt gặp các trường hợp anh A mắc bệnh mãn tính này, nhờ hành thiền đã khỏi; chị B mắc bệnh ung thư nọ, nhờ hành thiền bệnh cũng tiêu tan. Biết được tác dụng là vậy, nhưng nhiều người vẫn rất mơ hồ về phương pháp này. Hàng trăm câu hỏi xoay quanh vấn đề này vẫn được nhắc đi nhắc lại trên các trang thông tin hay mạng xã hội. Có người coi đó là chuyện không có thật, chỉ xảy ra với một số ít người đặc biệt. Thậm chí một số người còn gắn thiền với yếu tố tâm linh, thần thánh để lí giải việc khỏi bệnh. Nếu không hiểu được bản chất thì đúng là khó giải thích được tác dụng của thiền trong việc chữa bệnh.

Chỉ cần thư giãn nhiều khi đã đủ để đẩy lùi bệnh tật.

 

Trước tiên chúng ta cần phải hiểu rằng thiền nhấn mạnh vào yếu tố thư giãn và chỉ cần thư giãn nhiều khi đã đủ để đẩy lùi bệnh tật. Thư giãn gồm hai từ: “thư” là buông lơi còn “giãn” là nở ra. Bản chất của thư giãn trong thiền là sự buông lỏng và trống rỗng của cả thân và tâm. Thông thường khi ngồi thiền, người ta cố ngồi sao cho thẳng, hít thở sao cho đều, nhưng những cố gắng như vậy khiến thân tâm rơi vào trạng thái gò bó, cứng nhắc chứ không phải thư giãn – trạng thái ngược lại với sự gò bó và cứng nhắc. Đó là hai thái cực đối lập: Một mặt là gò bó, co cứng (yếu tố phát sinh bệnh) còn mặt kia là thư giãn (yếu tố dung giải bệnh). Ví dụ, một người làm việc trong tư thế gò bó thì kiểu gì cơ thể cũng co lại, căng cứng, khiến năng lượng đọng lại, cô đặc và đó chính là cơ hội để bệnh hình thành. Thư giãn là cơ chế đi ngược lại với quá trình cô đặc, như vậy nó hạn chế được quá trình sinh bệnh.

Bệnh là do năng lượng ứ đọng, và thiền là quá trình dẫn năng lượng ứ đọng ra ngoài. Vì vậy, về mặt lí thuyết, thiền có thể điều chỉnh được tất cả các dạng bệnh. Tuy nhiên, với mỗi người hiệu quả lại khác nhau, chính là do công phu luyện tập của từng người. Có người biết được pháp thiền nhưng mỗi ngày chỉ thiền 5 phút, trong quá trình thiền lại rất căng thẳng thì không thể có hiệu quả gì. Hoặc cũng có người ngồi thiền cả tiếng đồng hồ nhưng cũng không có kết quả do ngồi thiền mà không thư giãn, cứ cố gắng ngồi cho thẳng, cố thở cho đều. Các nỗ lực này khiến cơ thể bó vào, như vậy là đi ngược lại với cơ chế thư giãn. Vì vậy để đạt hiệu quả, chúng ta cần thư giãn cả thân và tâm khi hành thiền.

Thiền thư giãn nội tạng là một cách dưỡng sinh thiết thực và hiệu quả. Có thể hình dung cơ thể chúng ta giống như một căn phòng, trong đó có rất nhiều đồ đạc. Nếu chủ nhân của ngôi nhà muốn nhà sạch sẽ thì phải quét nhà thường xuyên. Nếu chúng ta quên lãng góc nào thì một ngày nào đó nơi ấy sẽ sinh ra bụi bặm, ẩm mốc, các con côn trùng làm tổ ở đó, và gây ra mùi hôi thối, khó chịu. Cơ thể con người cũng vậy, có người đang khoẻ mạnh nhưng một ngày đi khám bỗng nhiên phát hiện ra ung thư, khối u, viêm nhiễm, hoặc mắc một bệnh mãn tính ở một cơ quan nào đấy. Hỏi rằng có bao giờ anh ta để ý đến cơ quan (nội tạng) đó không, thì anh ta bảo rằng tôi chẳng bao giờ đề ý, chẳng bao giờ hình dung ra nó là như thế nào nữa. Vậy thì, việc ta chào hỏi, đánh thức một nội tạng là cách để ý đến và khích lệ trao đổi năng lượng cho nội tạng ấy. Tâm trí ta ở đó, năng lượng ta dồn về đó, tình yêu của ta dành trọn vẹn cho nội tạng đó. Vì thế, nó được tắm gội, thanh lọc và dưỡng trưởng. Việc ta thiền để đánh thức từng nội tạng cũng như việc ta quét nhà vậy. Nếu ta quét nhà hàng ngày thì nhà sẽ thơm tho sạch sẽ. Và thiền thư giãn nội tạng cũng cần phải diễn ra hàng ngày để nội tạng được thanh lọc và dưỡng trưởng thường xuyên.

Tình thương là dòng chảy không thể thiếu trong mọi nỗ lực chữa lành.

Trong cuốn Đến Đây Mà Lấy Niềm Vui (Trịnh Thắng) có câu “Bản chất của cơn đau và rối nhiễu cảm xúc là những ứ đọng mà tình thương chưa chảy qua được”. Câu này được tác giả nhắc lại vài lần trong cuốn sách đó, và cũng nhắc lại nhiều lần ở các cuốn sách và ấn phẩm khác. Như thế một lần nữa để khẳng định vai trò của tình thương trong việc chữa lành các cơn đau và rối nhiễu cảm xúc.

Bệnh tật, nếu không được ứng xử bằng tình thương, thì nhất định sẽ gây đau đớn và/hoặc rối nhiễu cảm xúc. Chẳng hạn một người vì lý do nào đó bị đau đầu. Ngặt nỗi, càng nghĩ đến việc khỏi đau đầu thì cơn đau lại càng tăng. Vì sao vậy? Rất đơn giản là anh ta đang bám vào cơn đau và tỏ ra tức giận, bực bội với cơn đau đó. Anh ta, thậm chí, có thể chửi rủa cơn đau. Nhưng chính việc chửi rủa và cảm xúc bực bội (sân hận) ấy khiến năng lượng đau càng cô đặc và gò ép làm anh ta đau hơn.

Cách đối trị với cơn đau trong lúc này, với anh ta, là thư giãn hoặc yêu thương chính cơn đau ấy. Để thư giãn, anh ta có thể quán trạng thái hoan hỉ “miệng mỉm cười đằm thắm, ánh mắt như hoa tươi” hoặc sống cùng với vẻ đẹp của ánh trăng “ánh sáng trùm vũ trụ, tâm hòa cùng ánh trăng”. Như thế, anh ta nhanh chóng rơi vào trạng thái thư giãn và năng lượng đau tự dung giải vào bản nguyên.

Nếu anh ta không thể quán được các trạng thái hoan hỉ ấy thì vẫn còn cách ưu việt và thực tiễn hơn: Đó là tình yêu thương. Anh ta sẽ yêu thương cơn đau giống cách yêu thương đứa con bé bỏng của mình đang khóc lóc ăn vạ. Nếu dọa dẫm bằng tâm sân hận, đứa trẻ hoặc là sẽ khóc to hơn, hoặc là sẽ nín khóc nhưng dồn nén ức chế trong lòng, để một ngày nào đó, cái dồn nén ấy có thể gây ra những hậu quả khó lường. Chỉ bằng tâm yêu thương mà đối xử, anh ta sẽ có hành động hợp lý và đứa trẻ nín khóc trong trạng thái hoan hỉ bằng lòng. Theo cách tương tự, tình thương sẽ chảy qua và chữa lành tất thảy bệnh tật và những hệ lụy mà nó gây ra.

Tất nhiên để hiểu rõ về thiền thì những ví dụ và khái niệm trên chưa thể bao hàm được tất cả. Cách tốt nhất để hiểu một phương pháp là hãy trải nghiệm nó.

 

Nguồn bài viết: essenceofinnerwork.com



-->
sdt