Chương trình trực tuyến: Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019

TGVN. Sáng 9/9, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi, Báo Thế giới & Việt Nam - Bộ Ngoại giao tổ chức chương trình trực tuyến Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019.    

Trung Đông - châu Phi có dân số 1,6 tỷ người, diện tích trên 36 triệu km2, là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, thị trường rộng lớn. Năm 2018, tăng trưởng GDP của Trung Đông đạt 2,3%, vượt xa mức 0,9% vào năm 2017, kinh tế châu Phi tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng 3,4%. Xu hướng liên kết khu vực được đẩy mạnh. 49/50 quốc gia châu Phi đã thỏa thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (ACFTA), tiến tới lập Thị trường chung châu Phi vào năm 2030.

Thời gian qua, Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Nhiều quốc gia trong khu vực luôn ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn Liên hợp quốc. Về kinh tế, quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai bên thời gian qua tăng trưởng mạnh. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 17,5 tỷ USD, tăng 300% so với năm 2010. Đầu tư của khu vực tại Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, đầu tư của Việt Nam tại khu vực đạt 2,6 tỷ USD. Hợp tác viễn thông, lao động, khai thác khoáng sản, nông nghiệp... cũng có những bước phát triển đáng khích lệ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kết quả hợp tác kinh tế còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai phía.

Tại tọa đàm trực tuyến, các khách mời là các nhà quản lý đại diện lãnh đạo Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao), Đại sứ các nước Trung Đông - Châu Phi tại Việt Nam và đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi về tiềm năng, thế mạnh hợp tác giao thương giữa hai bên, đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp khu vực Trung Đông - Châu Phi, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các bên.

Mở đầu tọa đàm trực tuyến, ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ, tuy Việt Nam và Israel là hai đất nước ở hai khu vực hoàn toàn khác nhau, một ở Đông Nam Á và một ở Trung Đông, nhưng tình bạn và sự kết hợp về mặt kinh tế sẽ mang lại những thành tựu, hợp tác tốt đẹp. Việt Nam đang là đất nước với tốc độ phát triển nhanh và Đại sứ mong rằng Israel sẽ là người bạn cùng sát cánh với Việt Nam trên con đường phát triển đó.

Đánh giá về quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Israel, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết ông rất hài lòng với tốc độ tăng trưởng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Israel. Hiện hai bên đang đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và có thể tiến tới ký kết vào đầu năm sau nếu tiến triển thuận lợi. Ông cũng lưu ý điều đặc biệt rằng mỗi khi Israel ký kết FTA với một quốc gia, kim ngạch thương mại song phương thường tăng tới 50% ngay năm đầu tiên sau khi ký kết, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Đại sứ cũng nhận định rằng Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ trợ lẫn nhau, thay vì cạnh tranh. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến lương thực thực phẩm. Ngoài ra, Israel đang đẩy mạnh hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trao học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Israel học tập, đặc biệt là chuyên ngành Công nghệ cao.

 

 

 

Trao đổi tại chương trình tọa đàm trực tuyến, ông Trương Công Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất cà phê sạch tại Kon Tum cho rằng, Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam chủ yếu tập trung tại Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á và một số nước tại khu vực châu Phi. Nhu cầu về cà phê trên thị trường ngày càng lớn, đặc biệt là cà phê sạch, cà phê hữu cơ chất lượng cao. Đó cũng chính là hướng kinh doanh của công ty.

Theo Giám đốc Trương Công Hiệp, công ty được thành lập năm 2014, sản xuất kinh doanh cà phê theo chuỗi sạch và bền vững. Công ty đã liên kết với hơn 500 hộ dân trên địa bàn với diện tích 1.500ha, sản lượng 6.500 tấn/năm và tất cả được sản xuất theo quy trình hữu cơ, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Được biết, công ty Bốn Hiệp cũng đã đầu tư công nghệ, quy trình trồng trọt và chế biến mới nhất, tiên tiến, thông minh, loại bỏ những hạt cà phê không đảm bảo tiêu chuẩn.

Tại chương trình trực tuyến, chia sẻ về mục đích ý nghĩa của Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi lần đầu tiên được tổ chức , ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao khẳng định. Hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông châu Phi là một quá trình lâu dài. Theo ông Kiên, từ năm 2010, Việt Nam đã tổ chức các diễn đàn giữa Bộ Ngoại giao và các nước Trung Đông - châu Phi. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi.

"Sự kiện “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019” lần này là một trong những sự kiện nhằm thực hiện đề án đó. Mục tiêu của nó là nhằm thúc đẩy các hợp tác về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với các quốc gia ở Trung Đông – châu Phi" - ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Trung Đông - châu Phi, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, thứ nhất, Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi xa cách về mặt địa lý, thứ hai, các nước Trung Đông – châu Phi có hệ thống pháp luật, cùng tình hình chính trị - xã hội rất khác biệt so với Việt Nam. Đó là chưa kể tới những cản trở về ngôn ngữ, văn hoá, tập quán, đi kèm với bất ổn chính trị ở một số quốc gia.

Do đó, theo Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi của Bộ Ngoại giao, muốn thành công tại châu Phi, các doanh nghiệp cần trang bị cho mình kiến thức về tình hình quốc gia sở tại, nắm rõ hệ thống pháp luật, ngôn ngữ, tập quán kinh doanh, đặc biệt là các biến động chính trị trong khu vực kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Trung Quốc, châu Âu đã có nhiều năm kinh doanh tại quốc gia sở tại.

Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã hiểu rõ những khó khăn trong phát triển hợp tác kinh tế với các nước Trung Đông - châu Phi và do đó, trong nhiều năm nay, đã cố gắng, bằng nhiều biện pháp, khắc phục. Trước tiên, Chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong tạo một bộ khung pháp lý trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi, thúc đẩy, đàm phán và ký kết các hiệp định bảo hộ cho các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Đông - châu Phi; giảm bớt các rào cản về thuế, thủ tục; cung cấp các thông tin về thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối với các đầu mối bạn hàng ở Trung Đông – châu Phi; hỗ trợ doanh nghiệp bằng các cơ quan đại diện ngoại giao, văn phòng đại diện thương mại, cố gắng đồng hành với các doanh nghiệp, không chỉ trong quá trình tìm hiểu đối tác, kết nối làm ăn, kinh doanh, mà còn giải quyết những khúc mắc của doanh nghiệp, từ lô hàng bị mắc ở kho, cảng tới việc doanh nghiệp bị lừa, mất tiền.

"Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới có 8 cơ quan đại diện tại các nước Trung Đông - châu Phi, song không phải cơ quan nào cũng có đại diện thương vụ. Do đó, sự vươn xa của Việt Nam tại châu Phi là chưa nhiều, khiến các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại đây còn khó khăn. Những buổi toạ đàm như hôm nay, với sự góp mặt của Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam, ngồi lại cùng đại diện Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp để tìm kiếm đối sách, mở rộng hợp tác kinh tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn đến Trung Đông - châu Phi" - ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định.

Cùng trong phiên tọa đàm, bà Trần Thị Diễm Hương, Giám đốc Trung tâm Hương Anh Fitness – Yoga thuộc Tập đoàn Hương Anh cho biết, Tập đoàn Hương Anh được thành lập cách đây 20 năm, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính như: Buôn bán thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, Tổ chức Tour, lữ hành quốc tế và Đoàn xe du lịch lữ hành, Dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Fitness, Yoga.. Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực có thương hiệu mạnh tại Việt Nam và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Nhận định về kế hoạch phát triển mở rộng kinh doanh, đặc biệt tại thị trường Trung Đông - châu Phi, bà Diễm Hương cho rằng, đây là thị trường rất tiềm năng nhưng do khó khăn về vị trí địa lý và nhiều yếu tố khác nên doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vướng mắc, hạn chế khi tếp xúc thị và phát triển giao thương. Bà Hương cũng cho rằng, các doanh nghiệp rất mong muốn các đơn vị chức năng tổ chức những hội nghị thiết thực như thế này như này để tìm hiêu thông tin, thị trường để tăng cường hợp tác giao thương.

Hội nghị cũng là cơ hội để các bên nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu, đề xuất hợp tác từ các quốc gia Trung Đông - châu Phi; Thông tin về thị trường khu vực, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi cơ hội hợp tác nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa của ta vào khu vực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá một số mô hình phát triển nông nghiệp, trao đổi khả năng tìm kiếm phương thức hợp tác mới về nông nghiệp giữa Việt Nam với khu vực bổ trợ cho mô hình hợp tác ba bên truyền thống hiện đang gặp khó khăn; Giới thiệu sự phát triển của công nghiệp viễn thông Việt Nam, qua đó tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác viễn thông với khu vực trong lĩnh vực này.

Các đại biểu cũng sẽ có những buổi thảo luận và tham quan thực địa ý nghĩa tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị đầu ngành về khoa học nông nghiệp và thủy sản, có nhiều kinh nghiệm hợp tác với châu Phi và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - doanh nghiệp đang góp phần tạo ra những sự phát triển đầy ấn tượng về viễn thông tại một số quốc gia châu Phi.



-->
sdt