Tự tập thiền nên hay không?

Có chia sẻ về thiền, Chap mới biết nhu cầu tìm hiểu và tập thiền của mọi người hiện nay nhiều tới mức nào. Vì nhiều lí do, cả khách quan lẫn chủ quan, mà nhiều người chọn việc tự tập thiền qua sách báo, video hướng dẫn hoặc từ một người đã có kinh nghiệm thiền trước đây nhưng không hẳn là một thiền sư, người nghiên cứu hay chuyên tu về thiền… Sẽ không có vấn đề gì nếu thiền chỉ đơn giản là việc ngồi bất động, lặng yên trong một thời gian nhất định. Sự trải nghiệm thiền khác nhau ở mỗi người lại tạo nên cơ số vấn đề, từ đơn giản tới phức tạp, khiến người ta không khỏi đặt ra một câu hỏi rằng: Nên hay không nên tự tập thiền?

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Tuy nhiên, tự chúng ta cũng có thể thấy rằng mỗi con người đều là những cá thể riêng biệt, không ai giống ai về khả năng nhận thức, tư duy, tính cách, tâm lý… Ngay bản thân chúng ta cũng luôn có sự thay đổi về những điều trên theo các giai đoạn hay thời điểm khác nhau trong đời. Thiền lại là một phương pháp để rèn luyện tâm, một lĩnh vực trừu tượng, khó nắm bắt, bởi nhiều khi, chính ta cũng chưa chắc đã hiểu được tâm ta, con người thực sự của ta là như thế nào. Vậy với sự khác biệt và luôn thay đổi như thế, liệu ai có thể đưa ra khẳng định chắc chắn rằng tất cả mọi người đều có hay không có khả năng tự tập thiền?

 

Thiền dành cho mọi người nhưng việc tập thiền, trải nghiệm thiền lại khác nhau ở mỗi người. Có người thiền rất thuận lợi, có người lại gặp vô vàn khó khăn. Bởi vậy, việc tự tập thiền cũng tùy theo trình độ, căn cơ của mỗi người mà quyết định. Chap và Zen đều đến với thiền một cách tự nhiên, chỉ là thấy bạn bè, người thân của mình ngồi thiền mà từ đó cũng tự tìm hiểu và ngồi theo. Trong quá trình thiền, chúng mình cũng không gặp nhiều vấn đề hay hiện tượng nào bất thường. Trái lại, khá nhiều bạn đọc lại tìm đến Chap Zen và thắc mắc về những vấn đề họ gặp phải khi thiền. Có người bị những bất ổn trên thân. Người nặng hơn thì liên quan tới cả tinh thần, sức khỏe… Bởi vậy có thể thấy, không phải ai cũng có thể tự tập thiền, khi cách hiểu về phương pháp, về bản thân mình và thực hành ở mỗi người không ai giống ai cả. Nếu việc tự tập có thể đem đến những kết quả tích cực thì không có lí do gì để ta lo ngại hay trì hoãn thiền. Còn ngược lại, khi phát sinh bất kể hiện tượng nào bất thường, nếu không có khả năng tự điều chỉnh hay giải quyết thì có lẽ ta cũng không nên tiếp tục tự thực hành.

Có một điều khá lạ lùng rằng việc ngồi im hàng giờ có vẻ nhàm chán này lại tạo nên sự tò mò và sức hấp dẫn với nhiều người. Phải chăng vì chúng ta đã nghe nói hay đọc được ở đâu đó về những khả năng kì diệu mà thiền có thể đem đến cho con người? Có hay không thì Chap chưa dám chắc. Nhưng cứ cho điều đó là có thật thì chắc chắn là chúng ta sẽ phải trải qua một chặng đường rất dài, từ thấp lên tới cao, nông cho tới sâu, thì mới có thể đạt tới cái đích lớn lao nào đó khác. Và dù mục đích của bạn khi đến với thiền là thế nào, thì có lẽ, không ai muốn mình cứ thiền một cách hời hợt, sau bao nhiêu năm mà chưa thấy có được thành quả nào rõ ràng hay cảm giác tâm mình đã an định sâu hơn. Việc tự tập thiền lúc này có lẽ sẽ mang tới những hạn chế nhất định.

Bởi lẽ, không phải phương pháp thiền nào chúng ta cũng có thể tự đi sâu vào. Đối tượng hoạt động của thiền là tâm, mà tâm thì mang tính trừu tượng, khó nắm bắt và luôn dao động. Không phải ai cũng đủ sự tỉnh thức để hiểu rõ chính mình, nắm bắt hoạt động của tâm để điều chỉnh theo ý muốn như trên một chiếc máy tính. Do đó, sự có mặt của người thầy hay người có nhiều kinh nghiệm thiền luôn là cần thiết. Bạn sẽ biết mình cần thiền ra sao, theo các bước thế nào để đạt hiệu quả, đi sâu hơn vào bên trong mình. Những vấn đề bạn gặp phải cũng sẽ được tháo gỡ, tránh khỏi tâm lý lo sợ hay bất an khi không thể tự giải quyết. Nhiều khi, chỉ cần sự có mặt của người ấy thôi đã khiến bạn an lòng để tiếp tục hành thiền chuyên cần và nghiêm túc. Tự tập thiền có thể vẫn hợp lý trong một giai đoạn nhất định, nhưng nếu nắm rõ phương pháp, kĩ thuật chính xác ngay từ đầu và được chia sẻ kinh nghiệm từ người đi trước, chắc hẳn thành quả bạn thu về vẫn đáng kể hơn so với việc tự mình bước đi.

Để có thể tự tập thiền, bạn cần có một nội tâm tương đối vững vàng. Bởi thiền tưởng như chỉ ngồi đơn giản thế thôi nhưng chính vì thân đã bất động nên ta mới thấy được tâm mình náo loạn tới mức nào. Nếu không cẩn thận, ta rất dễ bị chính nó dẫn dắt và chi phối theo một khuynh hướng thái quá nào đó, có thể là ham thích hay sợ hãi khi gặp phải những hiện tượng bất thường. Người tập thiền cũng giống với một nghệ sĩ thăng bằng trên dây vậy. Chỉ cần bước lệch sang trái hay sang phải một chút là đã nghiêng ngả, thậm chí là phải thoát khỏi chiếc dây. Dây của người nghệ sĩ còn nhìn thấy được, còn tâm của người chỉ có thể cảm nhận, nắm bắt và kiểm soát bằng trí tuệ, sự thành thật cùng một ý chí lớn. Việc tự tập thiền, do thiếu đi sự dẫn dắt, kiểm soát từ những người có kinh nghiệm nên những yếu tố tinh thần này càng được đòi hỏi cao hơn. Bởi vậy, nếu bạn cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho những điều đó thì tốt hơn hết nên tìm tới những lớp học, khóa học thiền để bắt đầu sự thực tập của mình.

Sự tự tập thiền vẫn có thể diễn ra với những hình thức đơn giản hơn. Ngoài thiền ở tư thế ngồi thì chúng ta cũng có những hình thức thiền khác như thiền hành, thiền nằm, thiền khi đang hoạt động bằng cách chú tâm vào việc cụ thể mình đang làm. Đây là những cách thức không đòi hỏi những kĩ thuật phức tạp hay đặt ra các tầng bậc nông sâu. Bất cứ ai cũng hoàn toàn có thể tự thực hành, ngay cả khi đã biết tới thiền nhiều năm. Dù có vẻ đơn giản nhưng các hình thức này đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành chánh niệm, sự tỉnh thức, hỗ trợ việc ngồi thiền, cũng như góp phần giúp ta tiến gần hơn tới mục đích cuối cùng.

Tất cả những điều trên vốn chỉ là sự gợi mở để bạn có thể tự tìm cho mình câu trả lời về việc có nên tự tập thiền hay không? Bởi thiền là một phương pháp rèn luyện tâm, mà tâm bạn thì chỉ có bạn hiểu rõ nhất, dù cho nó có đang bất ổn tới mức nào. Hãy xem bạn đã sẵn sàng cho việc tự tập thiền hay chưa, hoặc tới giai đoạn nào thì mình kết thúc việc tự tập và tìm đến một người có kinh nghiệm hay tham gia vào một khóa học, lớp học để được hướng dẫn sâu hơn. Tất cả những câu trả lời đó đều đã nằm sẵn trong bạn và đang chờ bạn khám phá.

Chap Zen



-->
sdt