Các chỉ số cơ thể giúp bạn tự kiểm tra chuẩn đẹp thân hình

Bạn có thể tính nhẩm nhanh cân nặng cần có của cơ thể bằng cách lấy số lẻ của chiều cao (theo cm) nhân với chín rồi chia cho 10. 

 

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng dinh dưỡng kép là suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì. Cân nặng dư thừa dẫn đến béo phì, từ đó gia tăng các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, sỏi thận, xương khớp, một số bệnh ung thư...

Béo là trạng thái dư thừa cân nặng do cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ, béo quá mức thì gọi là béo phì. Có nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá thừa cân và béo phì như đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng mỡ cơ thể, cân đặc biệt để đo tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể... Phương pháp thông dụng nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo dùng để đánh giá tình trạng béo là dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI).

BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m).

Dưới đây là chuẩn phân loại thừa cân - béo phì ở người lớn theo BMI của WHO và Hiệp hội đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO): 

Phân loại

WHO

IDI & WPRO

Cân nặng thấp (gầy)    
Bình thường 18,5 – 24,9 18,5 – 22,9
Thừa cân ≥ 25 ≥ 23
Tiền béo phì 25-29,9 23- 24,9
Béo phì độ 1 30-34,9 25- 29,9
Béo phì độ 2 35-39,9 ≥ 30
Béo phì độ 3 ≥ 40  

Như vậy, người Việt Nam nên có BMI trong khoảng 18,5-22,9. Thông thường chỉ số BMI lý tưởng đối với các bạn gái trẻ là 18,5-20; với phụ nữ trung niên và người lớn tuổi là 20-22.

Tính nhẩm nhanh cân nặng

- Tính cân lý tưởng: Số lẻ của chiều cao (tính bằng cm) x 9 rồi chia cho 10.

- Mức cân tối đa: Bằng số lẻ của chiều cao.

- Mức cân tối thiểu: Số lẻ của chiều cao (tính bằng cm) x 8 chia cho 10.

Ví dụ bạn cao 160 cm (1,6 m) thì cân nặng lý tưởng là: 60 x 9: 10 = 54 kg.

Cân nặng tối đa cho phép: 60 kg

Cân nặng tối thiểu: 60 x 8 :10 = 48 kg

Như vậy nếu cân nặng của bạn vượt quá số lẻ của chiều cao tức là đã bị thừa cân, vượt càng nhiều thì béo phì càng nặng, tuy nhiên cũng không nên để cân nặng ít hơn mức tối thiểu.

Phân bố mỡ dư thừa trong cơ thể

Chỉ số này giúp dự báo các nguy cơ bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường...

Nếu mỡ phân bố đều toàn thân gồm mặt, cổ, vai, ngực, bụng, mông, đùi thì gọi là béo phì toàn thân.

Nếu mỡ tập trung nhiều vùng eo thắt lưng và bụng gọi là vóc người có dạng hình “quả trứng”. Đây là béo phì kiểu “trung tâm” hay còn gọi là béo phì “phần trên”, kiểu “đàn ông”. Kiểu béo phì này có nhiều nguy cơ bệnh tật.

Nếu mỡ tích tụ nhiều vùng quanh mông, bẹn và đùi thì gọi là béo kiểu “quả lê” hay béo phì “phần thấp”, béo kiểu “đàn bà”. Kiểu béo phì này ít nguy cơ bệnh tật hơn.

Chỉ số eo/mông (Waist Hip Ratio WHR)

Chỉ số này giúp đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể.

WHR được tính bằng kích thước vòng eo (cm) chia cho vòng mông (cm). Trong đó, vòng eo được đo ngang rốn, vòng mông đo ngang qua điểm phình to nhất của mông.

Theo Michael Gutkin (năm 1984) nếu WHR của nam giới lớn hơn 0,95 và của nữ lớn hơn 0,85 thì có nhiều nguy cơ bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.

Để có sức khỏe tốt, bạn nên luôn giữ cân nặng lý tưởng và thân hình cân đối thông qua chế độ dinh dưỡng cân đối, nghiêm túc và lao động, tập luyện hợp lý thường xuyên. 

Thạc sĩ Lê Thị Hải
Viện Dinh dưỡng quốc gia



-->
sdt