Nguy cơ khi tập cơ bụng sai cách

Một cơ bụng 6 múi rắn chắc chính là chuẩn mực của một gymer. Tuy nhiên, việc tập cơ bụng theo bản năng mà không tuân thủ các kỹ thuật cũng như những nguyên tắc cơ bản sẽ là lợi bất cập hại. Hãy lưu ý để đạt được kết quả tốt nhất nhé.

Với sự khát khao đó, không ít gymmer đã lao vào tập luyện một cách vội vàng. Cần phải biết rằng cơ bụng là vùng cơ chịu rất ít sự tác động nên đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ, bên cạnh việc áp dụng một lộ trình cụ thể, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

1. Cơ bụng khỏe nhưng mỡ vẫn ở đó

Cơ bụng của chúng ta bao 5 nhóm nhỏ, gồm vùng bụng thẳng (nơi ‘tạc’ ra 6 múi quyến rũ), vùng bụng dưới, vùng bụng ngang, vùng bụng chéo trong và vùng bụng chéo ngoài. Đa số những người tập theo phong cách hấp tấp thường hiểu nhầm rằng chỉ cần dồn lực lên vùng bụng thẳng thì 6 múi sẽ xuất hiện. Trong khi thực tế, 6 múi chỉ hiện hình khi bạn tập cả 5 nhóm cơ còn lại.

Cho dù bạn có chăm chỉ tập luyện tới đâu mà không kèm theo các bài tập HIIT đốt mỡ thì giấc mơ 6 múi dường như vẫn còn rất xa vời.

2. Không vào cơ bụng mà vào cơ khác

Không phải ngẫu nhiên mà vùng bụng trở thành một trong những bộ phận khiến gymer mất kiên nhẫn. Đó là nơi đốt năng lượng rất chậm. Chỉ cần một vài động tác đẩy chân, nhấc hông không tới đúng ngưỡng, mọi công sức luyện tập cơ bụng của bạn sẽ dồn ngay vào nhóm cơ khác.

Động tác đu xà nâng cao hông là một ví dụ cụ thể. Khi thực hiện đẩy chân lên, bạn phải nhấc hông thật cao sao cho cơ bụng cuộn lại đúng cách. Nếu không, mọi sức lực của bài tập sẽ “rơi” khỏi cơ bụng mà trượt xuống cơ đùi và chân.

3. Nguy cơ chấn thương và ảnh hưởng tới sức khỏe

Không ít gymer tập cơ bụng theo bản năng mà bỏ qua các lưu ý được đưa ra trong mỗi bài tập. Sai lầm phổ biến mà người luyện tập thể hình mắc phải đó là không chú ý vào cơ bụng trong lúc thực hiện động tác.

Khi tập gập bụng, rất nhiều người quên rằng phải cuộn cơ bụng. Bù lại, họ dướn thẳng lưng và vô tình khiến lực dồn thẳng vào bộ phận này, gây ra đau đớn, trường hợp tập bụng bị đau lưng là khá phổ biến. Chưa hết, một số người còn sử dụng hai tay để kéo cổ lên sau mỗi động tác gập, khiến đốt sống cổ bị tổn thương và thoái hóa.

Do đó trước khi luyện tập, bạn cần dành thời gian tìm hiểu kỹ các động tác hoặc tham khảo ý kiến của huấn luyện viên cá nhân.

4. Cơ bị chai do liên tục phải chịu tổn thương do luyện tập quá nhiều

Đây là vấn đề mà rất nhiều gymer gặp phải trong con đường tiến tới cơ bụng 6 múi. Nhiều người cho rằng muốn “có múi” thì phải luyện tập càng nhiều càng tốt, và sai lầm này đã khiến cơ bụng phải chịu tổn thương liên tục, dẫn tới chai cơ và không phát triển được nữa. Dù đốt ít năng lượng nhưng cơ bụng cũng cần được nghỉ ngơi để phục hồi như những nhóm cơ khác.

5. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không lành mạnh

Ngoài tập luyện chăm chỉ, bạn cũng cần phải xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng đúng cách. Hãy ăn nhẹ trước khi tập cơ bụng khoảng 30 phút. Tránh ăn quá nhiều bởi sẽ dẫn tới thừa calo, khiến bạn chán tập và cơ thể thì cứ thế mà tăng mỡ.

Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể sở hữu cơ bụng 6 múi khi lượng mỡ trong cơ thể phải nhỏ hơn 15%. Tránh ăn đồ tinh bột, giàu gia vị và đồ ngọt bởi khả năng tích mỡ cực cao của chúng. Bên cạnh đó, bạn hãy bổ sung nhiều protein, thực phẩm giàu đạm và xơ để cơ bắp được hoạt động và tăng trưởng tốt.

Thêm một điều mà ít người để ý, thì chế độ ngủ nghỉ thích hợp cũng quyết định ít nhiều tới việc bạn sẽ có một cơ bụng hoàn hảo hay không. Khi ngủ, não bộ tiết ra hormone testosterone giúp cải thiện hệ thống cơ bắp và sinh lý. Thiếu ngủ thường xuyên sẽ khiến sản sinh ra hormone cortisol gây căng thẳng cục bộ, tạo ra chất béo cũng như khiến quá trình trao đổi chất chậm lại.

BÍ QUYẾT GIẢM MỠ BỤNG TỪ CHÍNH CHẾ ĐỘ ĂN HÀNG NGÀY

XEM THÊM: 21 BÀI TẬP BỤNG HIỆU QUẢ CHO CẢ NỮ VÀ NAM

 

 



-->
sdt