Ngồi thiền có bị tẩu hỏa nhập ma không?

Ngồi thiền có bị tẩu hỏa nhập ma không? – Có rất nhiều người ngỏ ý muốn tìm hiểu và thực tập thiền nhưng lại sợ ngồi thiền có thể dẫn đến tẩu hỏa nhập ma hay điên loạn. Nhất là khi, trong quá trình tìm hiểu, các bạn bắt gặp một số bài báo nói về việc nhiều người tẩu hỏa nhập ma vì tập thiền, với các cảm giác như đau đầu, uể oải, tinh thần thiếu minh mẫn…

Đôi khi, các bạn đọc về các phương pháp thiền khác nhau, có những phương pháp giúp người tập thu hút năng lượng, mở ra những khả năng đặc biệt… Điều này vừa có gì đó cuốn hút, kích thích người đọc, vừa kèm theo cả rủi ro về khả năng tẩu hỏa. Vấn đề này có thực sự đáng sợ đến thế? Hôm nay, chúng ta cùng phân tích xem nhé!

Ngồi thiền có bị tẩu hỏa nhập ma không?

 

Thực chất, tẩu hỏa nhập ma là thuật ngữ được nhắc đến trong võ thuật hay các phương pháp luyện tập về khí công. Theo đó, khí huyết của người luyện công bị rối loạn, đảo lộn, trái với quy luật vận động sinh lý tự nhiên. Nguyên nhân của vấn đề này là do người ta luyện tập sai phương pháp hay vì nóng vội muốn đạt được thành công, hoặc tham lam tập nhiều loại võ công cùng lúc…

Tẩu hỏa nhập ma có biểu hiện là thân bệnh, tức gây ra những vấn đề nào đó trên cơ thể, nhưng về sâu xa thì đó lại là một dạng tâm bệnh. Nó xuất phát từ tâm và cũng gây ra những thay đổi về tinh thần, tâm tính con người.

Thiền vốn dĩ không phải là phương pháp luyện khí hay dạy ta học cách điều khiển cơ quan, bộ phận nào trên cơ thể. Thiền chỉ dạy con người ta ngưng lại mọi suy nghĩ, vọng tưởng trong đầu, nhận biết thực tại qua hơi thở hay chú tâm vào một đối tượng nào đó. Nhờ đó, thân tâm chúng ta được lắng dịu, cảm giác nhẹ nhàng và an ổn xuất hiện.

Phải ngồi thiền đúng cách

 

Thông qua thiền đúng cách, người tập cân bằng được tinh thần, tâm trí, nhận biết được bản chất của con người và cuộc sống để từ đó có thể sống trong sự bình thản, yêu thương và vị tha. Như vậy, chẳng có lí do nào để người tập thiền có thể bị tẩu hỏa nhập ma như ta đã từng nghe nói.

Tuy nhiên, những triệu chứng bị đánh đồng với trạng thái tẩu hỏa nhập ma của một số người thực hành thiền là do đâu? Chúng ta hãy cùng đi tiếp.

Mục đích tập thiền của bạn là gì?

 

Trước tiên, hãy xem xét về mục đích thiền tập. Không phải ai cũng tìm đến thiền với cùng một mục đích. Có những người tập thiền để chữa bệnh, có người vì những stress, căng thẳng trong cuộc sống mà phải nhờ thiền để giải tỏa. Thiền cũng được sử dụng như một pháp môn tu tập, giúp người tu hành đạt tới trạng thái giải thoát, giác ngộ.

Thế nhưng, giác ngộ cái gì, giải thoát như thế nào, mỗi người, tùy theo căn cơ, hiểu biết, lại có một quan niệm khác nhau. Sự khác nhau ngay từ mục đích tiếp cận ấy đã ảnh hưởng tới quá trình thực tập cũng như kết quả mà thiền mang lại.

Trong mỗi con người chúng ta là một cái tôi yếu mềm, nhỏ bé nhưng đầy tính cao ngạo, vị kỷ. Chúng ta thường thấy rằng cái tôi của mình rất cao, rất lớn, ít khi chịu khuất phục, nhượng bộ ai. Thế nhưng, chúng ta lại rất dễ dàng lung lay hay phát sinh những lo lắng, sợ hãi trước bất kỳ điều gì, dù là nhỏ bé.

Chẳng phải mới nghe tới từ “tẩu hỏa nhập ma” là lòng bạn đã dấy lên cảm giác rờn rợn hay e ngại rồi đó sao? Vì bản chất yếu đuối đó nên ta luôn muốn tìm tới một sức mạnh nào đó để dựa dẫm, để mình có thể vượt lên trên người khác.

Sẽ không khó hiểu vì sao, thiền, với những câu chuyện xoay quanh việc thu hút năng lượng, khai mở các khả năng đặc biệt, đạt tới trạng thái siêu việt, huyền bí, lại thu hút con người ta đến thế và dễ dàng dẫn ta đi sai đường. Không phải ai cũng nhận ra “lực hấp dẫn” này, bởi đôi khi, nó được che đậy bằng những lí lẽ khôn khéo của chính tâm thức mỗi người.

Bản chất ấy của cái tôi có thể ảnh hưởng tới mục đích thiền tập của mỗi người. Ngược lại, mục đích thiền tập cũng có thể liên hệ tới việc thỏa mãn cái tôi hay thay đổi nó theo chiều hướng khác. Sẽ thật nguy hại nếu chúng ta thiền để đạt tới những điều mà cái tôi mong muốn, tiếp tay cho việc khiến cái tôi ấy thêm lớn dần.

Chúng ta tìm kiếm khả năng đặc biệt nào đó như nhìn thấy hình ảnh của các vị Phật, Bồ tát, kết nối với những linh hồn hay đi vào thế giới siêu hình… để nhận được sự tán dương từ người khác, cho rằng mình hơn người, khác người.

Ta muốn có những năng lực siêu nhiên, đắc được thần thông, cho mình là đại diện của vị thần thánh, tiên phật nào đó… Cái tính ngã mạn, tham lam này liệu có thể giúp cho việc ngồi thiền được an ổn hay càng thiền, tâm càng động, kết quả càng không được như ý?

Đôi khi, những gì ta trải nghiệm được trong quá trình ngồi thiền lại là sự phản ánh những suy nghĩ nằm sâu trong tiềm thức chúng ta. Ta tưởng mình đã thu được kết quả đáng nể nào đó sau một quá trình thực hành, nhưng, điều đó có thực sự như những gì ta vẫn nghĩ hay chỉ là sự hoang tưởng, suy diễn, tự lừa dối bản thân xuất phát từ cái bản ngã tham lam kia?

Và khi tất cả những điều ấy trở nên quá giới hạn, tinh thần chúng ta sẽ trở nên rối loạn, mất kiểm soát với những suy nghĩ, hành vi của bản thân. Tẩu hỏa nhập ma ra đời từ đây nhưng không phải do thiền đem lại mà chính từ tâm người mà ra cả.

Phương pháp thiền cũng là điều đáng để cân nhắc.

 

Có rất nhiều loại thiền với những kỹ thuật và phương pháp dụng công khác nhau. Nếu không được sự hướng dẫn cụ thể hoặc hiểu sai, thực hành sai phương pháp thì cũng rất dễ dẫn đến những vấn đề nào đó hay không thu được kết quả như mong đợi.

Đơn giản như tư thế ngồi thiền, nếu lưng bạn không đủ thẳng thì bạn sẽ không thể ngồi trong thời gian dài được. Lưng bạn dễ bị trùng xuống gây mỏi và mất tập trung. Nếu lưng quá thẳng thì gây tê rần rần ở ngực. Những vấn đề dù rất nhỏ này, một khi đã kéo dài lâu ngày, chẳng những không đem lại kết quả thiền như ý mà còn gây cho người tập uể oải, mệt mỏi thêm, tưởng như là bị tẩu hỏa nhập ma.

Điều cốt yếu trong thiền là phải giữ tâm tĩnh lặng, tập trung để tâm trí không chạy theo các vọng tưởng trong đầu.

Nếu không nắm vững cách thức thiền hoặc người mới thiền, tâm còn nhiều xao động, khả năng tập trung thấp, đôi khi càng cố gắng thiền lại càng dồn nén suy nghĩ và cảm xúc. Tới một giới hạn nhất định, tất cả đều bung ra. Cả thân lẫn tâm người tập càng trở nên mệt mỏi, mất phương hướng.

Trong một tình huống khác, người tập đang gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống, tâm vô cùng bất an. Lúc này, việc ngồi thiền thường không đem lại nhiều hiệu quả nếu người tập chưa thể tạm gác vấn đề của mình sang một bên. Trái lại, trong sự tĩnh lặng như vậy, các suy nghĩ càng nổi lên rõ rệt, mạnh mẽ hơn, nhiều khi còn khiến ta không thể ngồi thiền thêm được nữa. Như vậy, thiền chẳng những không đem lại kết quả mà còn trở nên “phản tác dụng” và bị quy kết là gây ra tình trạng tẩu hỏa nhập ma.

Kết luận

 

Từ tất cả những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng thiền và tẩu hỏa nhập ma vốn là hai trạng thái không có liên hệ gì với nhau. Thế nhưng, người tập thiền không nắm rõ phương pháp, thực hành theo đúng tinh thần thiền tập thì kết quả mang lại cũng chẳng khác nào tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong võ học.

Phương pháp thiền thì có thể tìm người có kinh nghiệm để được chỉ dẫn. Tinh thần thiền thì có thể nắm bắt qua câu nói sau: “Thiền rất đơn giản. Vấn đề là bạn có chấp nhận đơn giản hay không mà thôi. Thấy chỉ biết thấy, nghe chỉ biết nghe, ngửi chỉ biết ngửi, nếm chỉ biết nếm, xúc chạm chỉ biết xúc chạm, nghĩ chỉ biết nghĩ. Chỉ vậy thôi”.

(Thiền sư Sayadaw U. Jotika)



-->
sdt