7 sai lầm tránh mắc phải khi tập luyện Yoga

Chào các bạn, lần trước tôi đã chia sẻ với các bạn một số lưu ý cần thực hiện trong quá trình tập luyện yoga trong bài viết “6 Không khi tập yoga”. Hôm nay, tôi xin chia sẻ thêm một số lưu ý nữa, chính là các sai lầm mà bạn có thể mắc phải khi tập bộ môn này, để các bạn tránh mắc phải mà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nhé!

1. Không tập trung vào hơi thở
Hít thở là hoạt động tự nhiên của cơ thể mà bạn không mất quá nhiều công sức để điều khiển nó. Tuy nhiên, bạn thường không để ý đến hơi thở trong khi nó rất quan trọng.

Thứ nhất, nó cung cấp dưỡng khí. Đôi khi vì lí do nào đó bạn nghĩ xa xôi, vẩn vơ và việc thở bị chậm hay gián đoạn, do vậy khí không cung cấp đủ cho đốt cháy năng lượng cho từng động tác đó. Và nếu bạn ngưng thở chỉ trong một vài giây thì cơ bắp của bạn sẽ không nhận được đủ oxy để đốt cháy và hỗ trợ cho cơ thể thực hiện các động tác theo ý muốn. Kết quả là tay chân bạn sẽ bắt đầu luống cuống, cứng đơ và thậm chí là bạn sẽ bị ngã nếu bạn đang tập một tư thế thăng bằng nào đó.
Thứ hai, nó giúp bạn tập trung hơn vào từng động tác, từng nhịp, từng chuyển đổi của động tác và bạn cảm nhận được sự thay đổi ấy đối với cơ thể trong từng hơi thở. Nên khi bạn vừa tập vừa nghĩ chuyện nào đó, nhìn vào cái gì đó, có lẽ bạn chẳng thấy mỏi, thấy căng, thấy cái tác động của những động tác ấy tới bộ phận phải chịu sự ảnh hưởng này. Ngay cả với các động tác yêu cầu phải nín thở, thì trong lúc nín thở bạn vẫn có thể … thở giả để nhịp tim vẫn đập đều và để kiểm soát hơi thở ra vào của mình.

Cuối cùng, việc tập trung vào hơi thở giúp bạn cảm nhận được sự thống nhất giữa động tác với bộ phận của cơ thể, giữa hơi thở với thân thể, giữa thân thể với tâm hồn hay sự tĩnh tại bên trong. Mình thường đếm hơi thở, đó là cách tập trung dễ dàng và đơn giản nhất, ngay cả khi tập những động tác buộc phải nín thở thì mình vẫn tập trung vào hơi thở và đếm nó. Ở giữa khoảng nghỉ của các hiệp mỗi động tác hay ở quãng nghỉ của các động tác hoặc giai đoạn nghỉ cuối cùng, ở tư thế xác chết, thì bạn cũng nên tập trung vào hơi thở, để kiểm soát mình tốt hơn, để bài tập, buổi tập đạt hiệu quả hơn.

Như vậy, trong khi tập yoga, bạn chú ý không nên sao nhãng hơi thở của mình (ngưng thở hay giữ hơi thở quá lâu), luôn ý thức được hơi thở ra vào trong mình (luôn tập trung vào hơi thở), nhất là sự phình lên, xẹp xuống của bụng mình nhé!


2. Gắng sức quá mức
“Thất bại là mẹ thành công” không áp dụng trong yoga. Khi chúng ta chịu lắng nghe và thành thật với chính mình thì chắc hẳn bạn cũng nhận ra rằng mình chỉ có thể thực hiện tới đâu. Trong một số môn thể dục, thể thao khác, bạn có thể luôn dương cao khẩu hiệu vượt qua chính mình, không được chấp nhận thất bại nhưng điều này lại không đúng trong yoga. Bạn phải biết rằng mình chỉ tập được tới đó thôi, nếu gắng sức quá mức sẽ khiến cơ bắp của bạn bị căng và dẫn đến nguy cơ bị chấn thương.

Trong khi đó, tập yoga, bạn không bao giờ được cảm thấy đau đớn. Nếu bạn đã thấy dấu hiệu như vậy thì nên dừng lại. Yoga là tất cả sự nhận biết và lắng nghe các tín hiệu tinh tế từ cơ thể để có những phản ứng phù hợp. Và bạn hãy cho cơ thể thời gian để làm quen và hoàn thiện dần từng động tác chứ không nên gắng sức ngoài khả năng của mình để khiến cơ thể bị tổn thương.


3. Luyện tập với một cái bụng căng tròn
Đây là một điều tối kỵ trong yoga nhưng có lẽ vẫn có một số bạn sơ ý mà mắc phải. Khi bụng no, nguồn cung cấp máu được đổ dồn vào dạ dày của bạn để xử lý các chất dinh dưỡng trong thức ăn khiến các cơ bắp của bạn không có đủ năng lượng mà chúng cần để thực hiện thành công các động tác. Tuy nhiên, như Chap đã chia sẻ trong bài “Ăn gì trước khi tập yoga” thì chúng ta cũng không nên để bụng đói trong quá trình tập bởi thức ăn chính là nhiên liệu, cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, bạn cũng có thể ăn trước khi tập yoga nhưng chỉ nên với số lượng nhỏ và cách thời gian tập một khoảng ít nhất 1 giờ. Bằng cách đó, máu của bạn sẽ có thời gian đi đến dạ dày, nhận các chất dinh dưỡng và cung cấp cho các cơ bắp của bạn để tiến hành tư thế đầu tiên.


4. Suy nghĩ quá nhiều
“Tối nay ăn gì nhỉ?”, “Tí nữa phải đi sửa điện thoại mới được”, “Mình thích bài hát này quá!”… Nếu các suy nghĩ cứ miên man trong đầu bạn trong quá trình tập yoga như vậy thì chắc hẳn bạn sẽ không thấy thay đổi cũng như nhận được lợi ích gì nhiều cho cơ thể sau buổi tập yoga. Sự nhiễu loạn đến từ việc bạn luôn không ngừng nghĩ tới những công việc phải làm, những chuyện từ quá khứ đến tương lai mà làm mất đi sự tập trung cho việc tập luyện. Nghiên cứu cho thấy rằng, não bộ con người không được trang bị để làm tất cả mọi việc cùng lúc nên khi bạn đã nghĩ tới những vấn đề khác thì bạn sẽ mất đi sự kết nối của cơ thể với trí não. Vì vậy, bạn phải xóa bỏ hết mọi vọng tưởng của mình bằng cách tập trung vào hơi thở của mình, kết nối hơi thở với từng chuyển động.


5. Bỏ qua các tư thế cơ bản cho người tập nâng cao
Đừng vì những động tác uốn mình, gập người của các “siêu cao thủ” yoga trên các trang mạng, tạp chí thôi thúc bạn cũng muốn làm được như vậy rồi mau chóng tập luyện và bỏ qua các tư thế cơ bản nhé! Tất cả các tư thế yoga đều phải được tập theo trình tự để xây dựng nền tảng đảm bảo cho người tập có đủ sức mạnh, sự cân bằng và linh hoạt cần thiết để tiến lên các trình độ cao hơn.

Khi bạn vội vàng vào tư thế nâng cao, sẽ rất khó khăn để giữ đúng tư thế. Cơ bắp của bạn khi chưa đạt đủ sức mạnh hay sự dẻo dai để thực hiện các động tác đó sẽ dẫn đến nguy cơ cao xảy ra chấn thương. Vì vậy, hãy kiên nhẫn tập luyện từ cơ bản trước rồi sẽ đến lúc bạn tập được những tư thế khó hơn như hình mẫu.


6. Giữ im lặng không cần thiết
Điều này áp dụng những bạn nào theo học yoga trong các lớp học nhé! Thực ra thì nó cũng không kém phần cần thiết cho những bạn tự tập yoga đâu. Sự im lặng không cần thiết ở đây nghĩa là khi bạn có một vấn đề gì đó hay thắc mắc ở đâu thì không nên để nó trong lòng. Bởi việc tập luyện cũng dựa trên khả năng thực tế và nhu cầu cá nhân bạn. Nếu bạn vừa có thương tích ở đâu đó, đang mang thai… thì cũng đừng ngần ngại mà hỏi giáo viên hướng dẫn của mình để có những chỉ dẫn cần thiết và phù hợp với thể trạng của bạn. Bởi nếu bạn cứ tiếp tục tập luyện khi cơ thể có vấn đề thì sẽ vô tình tiếp tay cho những chấn thương, làm hại cho cơ thể bạn hơn là có lợi. Ngay cả khi bạn không tham gia lớp học nào thì bạn cũng nên tìm hiểu, hỏi thêm những người cũng có kinh nghiệm tập yoga để khai thông cho bạn những điều còn thắc mắc nhé!


7. Bỏ qua việc làm mát cơ thể sau buổi tập
Khi vừa kết thúc loạt tư thế yoga cho buổi tập hôm đó, bạn đã nhanh chóng thu dọn “hiện trường” để lao ngay vào làm các công việc tiếp theo thì như vậy bạn đã bỏ qua một khâu quan trọng đó là làm mát cơ thể. Bằng việc tập trung vào các tư thế kéo dãn và thư giãn sâu, việc làm mát cơ thể có thể giúp bạn ngăn ngừa các chứng đau nhức cơ bắp, tăng cường tính linh hoạt, từ từ hạ thấp nhịp tim và huyết áp để ngăn ngừa sự chóng mặt có thể xảy ra do đột ngột kết thúc các hoạt động tập luyện. Thêm vào đó, đây cũng là cách tuyệt vời để bạn kết thúc buổi tập cũng như cảm nhận sự định tâm và khỏe lại. Như vậy thì đừng quên nán lại một chút với tư thế xác chết, phần thưởng ý nghĩa cho những nỗ lực trước đó của bạn nhé!

Trên đây là 7 sai lầm mà các bạn rất dễ mắc phải trong quá trình tập yoga. Mong rằng, các bạn sẽ mau chóng nhận ra và sửa đổi để việc theo tập bộ môn này mang lại những lợi ích tốt đẹp cho sức khỏe và trí não của các bạn. Chúc các bạn thành công!

Tham khảo tại: http://abcnews.go.com

 


-->
sdt