5 bước chuẩn bị cho một buổi ngồi thiền hiệu quả

Xin chào các bạn! Như ta đã biết, thiền mang lại những lợi ích hết sức kì diệu. Thiền cơ bản là một sự tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, tập trung vào một đề tài, hình ảnh hoặc câu “chú” nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng tĩnh lặng, trong tâm không còn bất cứ ý niệm nào. Đối với những người mới tập thiền và ngay cả những người đã thiền lâu năm thì ngồi thiền là phương pháp cơ bản nhưng cũng quan trọng nhất giúp ta dễ dàng định tâm và tập trung. Hôm nay, Chap sẽ chia sẻ với các bạn các bước chuẩn bị cơ bản cho một lần ngồi thiền.

1. Không gian ngồi thiền

 

Để thiền đạt hiệu quả cao thì bạn cần phải có một không gian lý tưởng để ngồi thiền. Điều này đặc biệt quan trọng với người mới bắt đầu tập thiền vì khi đó tâm bạn còn bất định, khó có thể lắng lại ngay được so với người đã hành thiền lâu năm. Do đó bạn cần sự hỗ trợ rất lớn từ không gian để ngồi thiền.

Không quá khắt khe cầu kỳ, bạn chỉ cần tìm một nơi yên tĩnh, thoáng khí, sạch sẽ, không có ai làm phiền. Như vậy là cũng đủ cho buổi hành thiền của bạn được hiệu quả. Bạn nên ngồi trong phòng, không nên ngồi ngoài trời bởi không gian rộng lớn không giới hạn sẽ làm cho bạn khó lắng tâm và tập trung được. Hơn nữa, các điều kiện ngoại cảnh khác ngoài trời cũng dễ làm bạn bị phân tâm hoặc có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn như trúng gió, cảm lạnh…

 

2. Thời gian ngồi thiền

 

Bạn nên thiền khi bụng đói bởi sau khi ăn, năng lượng cơ thể bạn phải tập trung cho các cơ quan tiêu hóa, tâm trí trở lên thụ động và khó tập trung hơn. Vì vậy, bạn nên thiền khi bụng đói hoặc sau khi ăn khoảng 2 – 3 tiếng.

Để nhanh chóng đạt được các lợi ích, bạn phải thực hiện thiền thường xuyên và đều đặn theo những thời điểm nhất định tùy vào điều kiện của bạn. Thời gian tốt nhất là lúc mặt trời mọc và lặn (trước bữa ăn sáng và trước bữa tối) hoặc trước khi đi ngủ, trong sự yên tĩnh của ban đêm. Mỗi ngày bạn thực hành ngồi thiền 2 lần là tốt nhất, mỗi lần ít nhất 5 phút. Với điều kiện của mình, Chap thường ngồi thiền vào buổi sáng, sau khi tập xong một số động tác yoga sau khi ngủ dậy và vào buổi tối trước khi đi ngủ. Thiền về đêm rất tốt, nó khiến chúng ta đi vào giấc ngủ rất nhanh và sâu cũng như tỉnh táo và khỏe mạnh vào buổi sáng hôm sau. Thú vị lắm! 

Thời gian như trên là lý tưởng nhưng dù là người mới tập thiền thì bạn cũng không cần tuân thủ một cách khắt khe và cứng nhắc. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy tâm lý thoải mái và muốn thiền thì đều có thể ngồi thiền ngay.

3. Công cụ hỗ trợ thiền

 

Đã là ngồi thiền thì bạn phải ngồi theo một số tư thế thiền nhất định thì mới có thể thiền sâu được và thu được những lợi ích từ nó. Với người mới tập thiền và chưa thể ngồi các tư thế bán già hay kiết già ngon lành thì các bạn có thể ngồi lên một cái gối nhỏ độ dày tầm 10 – 12cm hoặc bồ đoàn để trợ giúp cho việc vắt chân được dễ dàng hơn. Bạn có thể tìm mua bồ đoàn, đệm ngồi ở một số chùa và thiền viện tu theo thiền tông. Ở những nơi này sẽ có những đạo cụ cần thiết hỗ trợ cho buổi thiền của bạn. 

 

4. Trang phục

 

Không có loại trang phục nào dành riêng cho người tập thiền. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý mặc những trang phục thoải mái, mát mẻ, không gây nóng vào mùa hè và đủ ấm vào mùa đông cũng như có sự rộng rãi hay co giãn hợp lý để ta có thể tiến hành các tư thế ngồi thật thoải mái.

5. Chuẩn bị tâm lý khi thiền

 

Thực ra nói chuẩn bị tâm lý thì nghe có vẻ cứng nhắc quá bởi thiền là để ta đạt được sự tĩnh lặng, thư thái trong tâm hồn chứ nếu tâm lý vui vẻ, thoải mái rồi thì cần gì thiền nữa. Nói vậy chứ để việc thiền đạt hiệu quả thì Chap có một số lưu ý cho các bạn thế này. Điều cơ bản trước khi ngồi thiền đó là bạn phải gác tất cả mọi công việc thường nhật lại, bỏ cả thế giới lại đằng sau và đừng để tâm vướng bận. Tắt điện thoại và thiết bị nào có thể làm ảnh hưởng, ngắt quãng quá trình thiền của bạn.

Bạn hãy coi thiền là thiền, là để lắng tâm lại chứ đừng mang ý nghĩ mong cầu hay đạt được những điều gì đó khi thiền. Trong bài “5 khó khăn chính khi ngồi thiền”, Chap cũng đã chia sẻ rằng trước đây có lúc mình sợ rằng khi thiền sâu thì linh hồn mình sẽ thoát ra khỏi xác và nhỡ đâu lại không về được cơ thể mình. Hơi “funny” một tí nhỉ?  Nhưng với tâm lý đó mà làm việc thiền của mình cũng trở nên không hiệu quả. Vậy nên khi thiền, bạn phải có tâm lý thoải mái, không mong cầu, lo lắng điều gì cả. Thiền để cho mình nhẹ nhõm, như vậy là được rồi.

rên đây là một số chia sẻ của Chap để chuẩn bị cho một buổi ngồi thiền đạt hiệu quả cao với những ai mới bắt đầu tập thiền. Điều quan trọng là bạn phải cảm thấy thoải mái và thực hành theo điều kiện phù hợp nhất với bạn. Đừng gò bó mình theo một quy chuẩn nào mà bạn hay bất kỳ ai đưa ra, hãy lắng nghe cơ thể mình bạn nhé! Chúc các bạn hành thiền thành công!



-->
sdt