5 bí kíp khắc phục tâm lý ngại khó khi tập yoga

     Qua nhiều kênh thông tin từ truyền miệngcho tới các hình ảnh tuyệt đẹp trên các trang báo mạng mà nhiều người bắt đầu có cảm tình với yoga và muốn tập luyện.
     Thế nhưng, một số người lại thấy yoga có những động tác vặn xoắn, gập người rất khó thực hiện lại đâm nảy sinh tâm lý ngại khó, thiếu tự tin và từ đó không dám tập hay tập một thời gian đầu lại nản, không muốn tập tiếp. Để khắc phục tình trạng này, Chap gửi tới các bạn một số lời khuyên xem có giúp ích gì trong việc cải thiện tâm lý ngại khó này và giúp các bạn tìm đúng con đường mình nên đi với yoga không nhé!
5 bí kíp khắc phục tâm lý ngại khó khi tập yoga
1. Tìm hiểu những điều cơ bản về yoga

     Khi bạn cho rằng yoga thật khó tập thì đó mới là suy nghĩ của bạn thôi. Và điều đó chứng tỏ bạn chưa hiểu gì về yoga cả mà đã vội phán xét rằng yoga khó lắm, làm sao mà mình tập được như họ, uốn dẻo được như họ. Để xóa bỏ thành kiến đó và xem yoga có thực sự khó như bạn nghĩ không thì bạn phải có sự tìm hiểu để xem yoga là gì, ý nghĩa của việc tập luyện yoga, người mới bắt đầu tập thì nên bắt đầu từ đâu, yoga có những động tác như thế nào… Việc tìm hiểu thì cũng có nhiều cách như tìm kiếm trên Internet, mua sách về yoga để đọc hay hỏi kinh nghiệm của những người đã tập, thậm chí là hỏi những giáo viên dạy yoga ở một trung tâm nào đó để được họ cho lời khuyên… Khi đã tìm hiểu rồi, chắc chắn bạn sẽ hiểu rằng yoga không quá khó như bạn nghĩ và sẽ có những động tác phù hợp với bạn, chứ không ai ép buộc bạn phải tập ngay những động tác “lắt léo” như bạn đã thấy trên các trang mạng hiện nay.

yoga-6

Yoga

2. Hướng tới mục đích tập luyện yoga

     Trước khi bắt đầu tập yoga, bạn nên xem lại mình xem mình đến với yoga bằng mục đích gì? Bạn muốn có một vòng 2 thon gọn, muốn chữa bệnh, muốn cải thiện cuộc sống của mình hay đơn giản chỉ tập theo phong trào. Mục đích tập luyện sẽ quyết định tới sự gắn bó của bạn dành cho bộ môn này bởi nếu không có một mục tiêu chân chính thì bạn sẽ không đủ cảm đảm và sự kiên trì để đi theo yoga đến cùng. Bạn có thể tham khảo bài viết: “Bạn tập yoga để làm gì?” mà Zen đã chia sẻ để xác định lại mục đích tập luyện yoga của mình nhé! Một khi có mục đích, mục tiêu thực sự khi đến với bộ môn này, chắc hẳn chúng sẽ tự đưa đường dẫn lối để bạn vượt qua mọi khó khăn trong yoga mà nảy sinh chủ yếu lại từ chính tâm lý ngại khó của bạn.

3. Bắt tay vào tập luyện

     Điều này thì chỉ áp dụng với các bạn chưa từng tập yoga bao giờ thôi nhé! Có câu nói rằng: “Con đường ngắn nhất để vượt qua khó khăn là đi xuyên qua nó”. Bạn cứ bảo yoga khó tập vậy bạn phải bắt tay vào tập thì mới hiểu được thực hư của nó thế nào chứ! Nếu cứ đứng ở ngoài mà kêu khó, sợ khó không thôi thì có lẽ bạn đang lãng phí thời gian của mình cho những điều vô ích đấy. Vậy nên, hãy biến suy nghĩ thành hành động rồi bạn sẽ biết mình phải làm thế nào để vượt qua những khó khăn. Tâm lý là vậy nhưng thực tế sẽ khác nếu bạn đã đi vào thực hiện. Đừng để suy nghĩ không thực đó làm bạn lỡ đi những cơ hội tốt đẹp cải thiện bản thân và cuộc sống của mình nhé!

Luyện tập Yoga

4.  Tập từ cơ bản đến phức tạp

     Yoga có những tư thế rất khó thật và buộc người tập phải mất hàng tháng, thậm chí nhiều năm luyện tập thì mới thực hiện được tư thế đó. Tuy nhiên, chẳng ai sinh ra là đã thực hiện ngay được những thứ mà ta cho là kì dị, phi thường. Yoga cũng có nhiều tư thế dành cho người mới tập và bạn nên bắt đầu bằng tư thế đó, những tư thế đơn giản nhất. Đi từ đơn giản đến phức tạp thì bạn sẽ cảm thấy việc tập yoga thật nhẹ nhàng và chẳng việc gì phải sợ như bạn nghĩ cả. Khi đến các lớp học, bạn sẽ được giáo viên hướng dẫn tập các tư thế cơ bản trước hoặc các biến thể của một tư thế để cho bạn thực hiện dễ dàng. Sau một thời gian khi cơ thể quen dần thì bạn sẽ tập nâng cao với những động tác phức tạp hơn, tiến đến gần hơn với tư thế chính. Và tự nhiên, một ngày nào đó bạn sẽ thực hiện được tư thế mà bạn từng cho là rất khó trước đây mà có khi bạn còn chẳng biết mình làm được từ lúc nào và chẳng có gì khó khăn như mình nghĩ cả. Yoga kì diệu vậy đó, hehe!

5.  Đừng nói “Tôi không thể”

     Đối với tâm lý ngại khó thì sự tự tin là cần thiết. Bởi nếu bạn không tin rằng bản thân mình có thể làm được thì mãi mãi bạn sẽ không làm được. Vậy nên, hãy nâng cao sự tự tin của chính mình. Hãy nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ làm được thay vì nói “Tôi không thể. Nó khó quá, tôi sẽ không làm được đâu”. Nếu cứ giữ suy nghĩ đó thì bạn sẽ càng chùn bước và chẳng thu được kết quả gì ngoài sự tự ti vào bản thân. Thay vì thế hãy tự nói với mình rằng: “Mình có thể làm được. Có gì khó đâu nhỉ? Kiểu gì ta cũng chơi hết”. Như vậy thì sự tự tin của bạn sẽ tăng lên để bạn thêm động lực bước qua những khó khăn ban đầu trên bước đường chinh phục yoga, cũng chính là chinh phục bản thân mình.

     Như vậy, khó khăn mà bạn nghĩ về yoga thì thực chất nó là khó khăn từ chính trong tâm bạn. Do chưa có sự hiểu biết cụ thể hay suy nghĩ sai lầm mà phát sinh tâm lý ngại khó trong bạn. Vậy nên, để thay đổi được tâm lý đó, bạn phải tìm cách xóa tan màn sương mờ mịt đang che phủ trước mắt bạn để thấy rõ con đường mình nên đi. Hãy chiến thắng bản thân mình trước khi tiến tới chinh phục yoga nhé! Chúc bạn thành công!

Chap Zen

 

 



-->
sdt