10 ngày Vipassana

10 ngày Vipassana

Tôi đã học hỏi rất nhiều và điều đầu tiên tôi học được là sự khiêm tốn. Chỉ có sự khiêm tốn mới giúp ta học hỏi thêm những điều mới lạ. Các bạn hãy nhìn ly nước đầy trên tay tôi đây, nếu tôi tiếp tục rót thêm thì nước sẽ tràn ra ngoài. Trừ khi tôi đổ bớt nước trong ly đi thì tôi mới rót thêm nước vào được. Kiến thức cũng thế, chỉ khi ta khiêm tốn gạt bỏ những thành kiến có sẵn ta mới tiếp nhận thêm được những điều mới lạ.’ Đó là những gì thương gia Lawrence từng nói với phái đoàn Hoàng Gia trong cuốn sách Hành trình về Phương đông. Với tôi, việc tham gia khóa thiền Vipassana chính là dịp để mở rộng sự hiểu biết của mình. Và đây là những gì tôi ghi nhận trong những ngày ấy.

Ngày thứ nhất:

Bài học đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn thực tập là quan sát hơi thở. Cả một ngày ngồi ‘ngắm’ hơi thở của mình, ôi, thật là buồn chán. Bạn không thể tưởng tượng được sự nhàm chán đến mức nào đâu. Vọng tưởng tới thăm liên tục. Tâm phóng đi tứ tung. Tôi thấy tâm mình như con chó vậy. Mà là chó ta nhé, chứ không phải chó tây, ha ha! Chó tây được huấn luyện rồi rất khôn. Nó biết nghe lời mình, mình bảo gì nó làm nấy. Khi bạn bảo ngồi là nó cứ ngồi thôi, im lặng nhìn bạn. Còn chó ta thì không. Sau khi chơi với nó chán chê, bạn đứng hay ngồi là nó ngúng nguẩy cái đuôi rồi biến mất khỏi mắt mình chứ chẳng chịu ngồi yên đó đâu. Bạn gọi lại thì phải chơi với nó cơ, chứ không là lại lượn mất ngay. Nên ngày đầu tiên phải chiến đấu chống lại vọng tưởng mà không có đề mục gì để quán, để mình định tâm ngoài hơi thở. Nếu các phương pháp thiền khác còn có đếm hơi thở hay tập trung vào đề mục, hình ảnh nào đó để định chứ cái này chẳng có đâu. Nếu tâm phóng đi thì bạn giật mình biết mà quay lại và chỉ tập trung vào hơi thở thôi.

Thực ra, trước đây tôi cũng luôn ý thức quán niệm hơi thở trong cuộc sống rồi. Nhưng hôm nay tôi có cảm giác về nó trong từng việc làm, hành động, cử chỉ, dù là nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, có thể nói, đây là lần đầu tôi nhận thức hơi thở gần mình và luôn theo sát mình đến thế.

Ngày thứ hai:

Hôm nay, chúng tôi được mở rộng vùng tác động của hơi thở. Đó là từ trên vòm mũi qua hai lỗ mũi vòng xuống vùng chân mũi phía trên môi trên thành một tam giác. Cũng không hề dễ dàng gì để cảm nhận được sự tác động đến cả ba điểm xúc chạm này trong từng hơi thở. Bởi mỗi hơi thở có độ mạnh yếu khác nhau và sự nhạy bén khác nhau của ý thức mỗi thời điểm. Gần đến cuối ngày tui cũng cảm nhận được trọn vẹn sự xúc chạm này ở cả ba điểm của tam giác. Một cảm giác phấn chấn khởi lên vì mình đã thực hiện hoàn thiện điều đã được chỉ dạy.

Ngày thứ ba:

Tiến thêm một bước nữa, chúng tôi được chỉ định thu nhỏ tại một điểm trong tam giác này. Đó là vị trí ra vào của hơi thở ở cửa mũi. Quả thực điều này không hề dễ dàng bởi hơi thở mỗi ngày một nhẹ nhàng hơn thì cảm nhận lại càng khó khăn hơn. Khi đã thực hiện được, tui bắt đầu có những băn khoăn xuất hiện trong đầu. Vì tui thấy, phương pháp quan sát hơi thở này không khác gì phương pháp trong kinh An ban thủ ý đã đề cập. Đây liệu có phải là những gì mình sẽ học trong suốt khóa thiền Vipassana? Trước đó, tui từng tìm hiểu và đọc được một số tài liệu Vipassana về việc quét các vùng trên cơ thể kia mà? Dù sao đây cũng mới chỉ là ngày thứ ba, vậy cứ kiên nhẫn chờ đợi những ngày tới như thế nào. Điều này hẳn được những thiền sư xét tới nên đã được tiết lộ trong giờ pháp thoại buổi tối rằng, đây mới chỉ là thực tập Anapana, ngày mai mới bắt đầu bước vào sự thực hành Vipassana.

Ngày thứ tư:

Tôi thực sự háo hức đón nhận những kiến thức về Vipassana nhưng phải chờ tới buổi chiều hôm ấy. Và sự kiện này được đánh dấu bằng tờ giấy dán trên bảng thông báo ở nhà ăn và hành lang thiền đường: Hôm nay là ngày Vipassana. Chúng tôi được hướng dẫn thực hành quan sát cảm giác trên cơ thể. Không có gì quá độc đáo hay mới mẻ cả. Tất cả chỉ là cảm nhận các cảm giác xuất hiện trên bề mặt của da, từ đỉnh đầu xuống đến các ngón chân. Chỉ có vậy. Ấy thế nhưng rất là vật vã. Bởi, mỗi khi xem xét vùng này được một lúc lại bị vọng tưởng lôi đi. Cái suy nghĩ của mình cứ dạo chơi suốt, mà toàn chuyện linh tinh cả. ‘Ngày mai sẽ cố gắng hơn’, tui tự động viên mình vậy.

Ngày thứ năm:

Sáng nay, tôi dậy với lòng quyết tâm lớn. Có lẽ vì thế mà suốt hai tiếng đồng hồ tui chỉ phải thay đổi tư thế ngồi có một lần. Tôi phải tập như thế vì từ tối qua chúng tui được yêu cầu thực hành Adhitthana – Ngồi thiền với quyết tâm mạnh mẽ, nghĩa là không cử động, không mở mắt hay đổi tư thế trong suốt một tiếng đồng hồ. Thực ra, từ hôm lên đây đầu gối tôi bị đau buốt mỗi khi ngồi kiết già. Khi ở nhà, ngồi hơn một tiếng là bình thường, vậy mà chỉ có vài chục phút thôi đã khiến tôi đau buốt đến tận óc. Cũng có thể, vì khi thực tập phương pháp mới này tôi không vào định được, nên cơn đau mới không thể đối trị được. Tui cũng cho rằng vì cái gối ngồi quá cứng nên không thể ngồi như kiểu tôi vẫn thường làm ở nhà, xếp cái nữa thì lại quá cao, thành ra lưng rất là mỏi. May mắn là sau đó tôi đã tìm ra cách ngồi khác vừa không đau vừa không mỏi lưng trong suốt một tiếng ấy. Sau khi hai lần vượt qua sự đau đớn ấy thì tôi hoàn toàn làm chủ được tư thế này vào đầu buổi chiều và không còn bất cứ cảm giác tê mỏi chân nào khi xả thiền nữa.

Tuy nhiên, vấn đề tệ hại đã xảy ra. Những nỗi đau, tức giận và oán thù bỗng nhiên trỗi dậy. Chúng hoành hành tâm trí và hành hạ tôi. Có nhiều thời điểm, tôi bị chi phối tới mức không còn ý thức là mình đang ngồi đây, ở thiền đường, giữa bao nhiêu con người, và đã suýt hét lên hay tung nắm đấm về phía trước. Tất cả điều này đã khiến tui gặp rất nhiều khó khăn để xem xét cảm giác, thậm chí tui đã phải dừng lại nhiều lần để thoát ra khỏi nó. Ngày hôm nay đã trôi qua mà không có bất kì tiến bộ nào.

Ngày thứ sáu:

Sau một đêm nghỉ ngơi, tôi cảm thấy mình đã tỉnh táo, khỏe khoắn trở lại cho buổi thiền sớm. Hai tiếng trôi qua nhanh chóng mà không có bất kì trở ngại nào cả thân và tâm. Sự tập luyện đã có tiến triển. Tui nhận ra chính vì để những oán hận và những cảm xúc tiêu cực trỗi dậy, lấn át mà mình không thể tập trung vào việc ‘soi’ cảm giác trên cơ thể. Một ngày nữa qua và tôi cảm thấy mình đã khá hơn hôm trước. Tuy vậy, đến buổi tối, tôi cảm thấy mỏi mắt, căng đầu trong lúc ngồi. Sau đó, tôi hỏi thiền sư thì phát hiện mình sai phương pháp, mình ‘nhìn bằng mắt’. Tự nhiên thấy hơi hụt hẫng vì điều này, coi như những cái mình cho là tiến bộ hóa ra chẳng có tí nào. Hic!

Ngày thứ bẩy:

Tôi bắt đầu sửa lại cách thực tập của mình theo hướng dẫn của thiền sư. Dù cố gắng nhưng quả thực không dễ dàng gì. Hai cách cũ mới vẫn đấu tranh với nhau khiến cho cái đầu tôi khá là căng thẳng, nặng nề khi thực hành. Sau một ngày thoải mái thì chiều nay, những oán giận lại trỗi dậy và một lần nữa, lại làm mất đi sự tập trung của tui. Tới giờ hỏi đáp cuối ngày, tôi thắc mắc rằng có nên quan sát cảm xúc của mình lúc đó không thì được thiền sư khuyên nên tiếp tục với cảm giác của cơ thể. Tôi hỏi một lần nữa về khó khăn trong việc thực hiện quét cảm xúc giữa kiểu cũ và kiểu mới. Thiền sư hỏi ở những vùng phía sau như gáy thì tui làm như thế nào, tôi đáp tui tưởng tượng ra cái gáy của mình và cảm giác về nó. Thiền sư cho biết như thế là tôi đã quan sát bằng hai cái tôi chứ không phải một và rồi hướng dẫn tôi cách sửa. Quả thực không dễ dàng để thực tập một phương pháp mới khi mình vẫn còn bị ảnh hưởng phần nào bởi phương pháp cũ. Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng mình sẽ tiến bộ nếu chăm chỉ và thực hiện đúng như những gì đã được truyền dạy.

Ngày thứ tám:

Đã sắp hết khóa mà tôi thấy mình chưa thực tập ra gì cả. Càng về sau tôi không bị vọng tưởng làm phiền nhưng việc quét cảm giác lại gặp nhiều khó khăn dù đã nỗ lực không ít. Sau bữa trưa, tôi gặp thiền sư và hỏi ông rằng đây có phải tất cả phương pháp được truyền dạy và ông đã gật đầu. Tôi thắc mắc vậy có điều gì khác biệt với khóa tu của những người mới và cũ. Ông đáp rằng sự khác biệt nằm ở khả năng quét của thiền sinh cũ đã tốt hơn rất nhiều. Tôi bày tỏ mong muốn hướng dẫn cho bà tui, người không thể đi xa nổi nhưng được khuyến cáo là chỉ nên giới thiệu cho họ và đưa họ tới một khóa thiền như thế này. Thật là đáng tiếc cho những người như bà tôi bởi tôi thấy có vài người già bên nữ mà vẫn không bỏ giờ thiền nào dù cái lưng đã còng. Đến chiều, bỗng nhiên tình trạng đầy bụng, cái cổ thì ứ nghẹn mỗi khi nuốt nước bọt khiến tôi không thể nào ngồi yên được. Thế là coi như mất toi buổi chiều.

Ngày thứ chín:

Đã luôn nghĩ trong đầu rằng hôm nay phải cố gắng hơn vì là ngày cuối cùng được thực tập Vipassana bởi ngày thứ mười sẽ học một cái khác. Ấy vậy mà cũng trở nên đáng thất vọng khi tui vẫn bị dính đầy bụng và ngứa cổ họng vì đờm và nước bọt của hôm trước. Dù thế, cho tới hôm nay, tui vẫn tin rằng đây thực sự là phương pháp giúp cho mình có nhiều tiến bộ trong việc đối trị cảm xúc tiêu cực hay đấu tranh với vọng tưởng hơn cả mặc dù chỉ mới thực hành trong thời gian ngắn.

Ngày thứ mười:

Ngày cuối, chúng tôi được hướng dẫn thực hành Thiền Metta, nó gần như một cách mở rộng thương yêu, lòng từ bi của mình ra xung quanh. Ngay sau đó, sự im lặng thánh thiện kết thúc, tất cả như vỡ òa. Người ta nháo nhác nói chuyện với nhau. Nhà ăn trở thành nơi ồn ào như quán bia. Tôi thì vẫn thế, im lặng từ đầu tới cuối thưởng thức bữa ăn. Có chăng thì gật đầu chào và cười với chú mà bắt chuyện với tui lúc chiều. Đến tối, thiền hành xong, tôi ngồi chia sẻ với một cậu em thường ngồi ngay sau tôi và nghe anh em khác nói chuyện tới khuya. Có lẽ vì còn nhiều điều muốn nói nên mọi người thấy không buồn ngủ dù sáng mai bọn tui vẫn còn hai tiếng ngồi thiền cuối cùng.

Ngay sau giờ thiền, khóa tu tập coi như kết thúc. Chúng tôi cùng dọn dẹp với những người tổ chức. Mặt trời lên báo hiệu một ngày nắng to. Mọi người ăn sáng bằng cái bánh rợm ngay tại địa điểm tiếp đón. Họ tranh thủ nói chuyện và trao đổi thông tin liên lạc lần cuối. Tui chỉ lấy số của cái chú bắt nhời đầu tiên với tôi và thằng em tôi nói chuyện đầu tiên vì thấy giống một cô em tôi biết quá. Tôi đi mà cảm giác sự im lặng thánh thiện vẫn còn trong mình, chẳng muốn nói gì. Những ngày qua, nhờ nó mà đúng là mình có thêm nhiều sự thánh thiện.

Mười ngày, một thời gian đủ để cảm nhận những sự biến đổi không ngừng bên trong, như cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt và cái xấu trong con người mình. Tôi biết mình thực hành chưa được tốt nhưng tui đã tin rằng phương pháp này đem lại cho mình một nhận thức mới, một cách thức mới để thanh lọc tâm mỗi ngày. Tất cả chỉ là cảm nhận của cá nhân tôi. Nếu bạn muốn kiểm chứng về phương pháp, hãy cân nhắc về khả năng ghi danh cho một khóa sắp tới.



-->
sdt